Quảng Ninh đi đầu về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước

11:18 | 14/04/2017 Print
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đánh giá Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng cho biết: Năm 2016, Quảng Ninh phải đối diện với nhiều thách thức, nhất là tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành Than, song được sự quan tâm sát sao của Trung ương, với sự nỗ lực hết mình, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những chuyển biến tích cực.

Quý 1/2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh đạt 8,3%; khu vực dịch vụ có mức tăng mạnh đạt 12,1%; khách du lịch đạt 3,8 triệu lượt, tăng 12%; doanh thu du lịch tăng 20%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 9.865 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 7.182 tỷ đồng, tăng 21% cùng kỳ. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 đứng vị trí thứ 2 trong cả nước, tăng một bậc so với năm 2015. An sinh xã hội được bảo đảm; giáo dục y tế có nhiều tiến bộ; chương trình xây dựng nông thôn mới chuyển từ lượng sang chất, gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững…

Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Đề án 25, Quảng Ninh đã thể hiện việc nâng cao năng lực lãnh đạo qua sự lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm như: Đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” có hiệu quả.

l
Một góc thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: Huy Khánh

Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược; thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) để thực hiện công khai, minh bạch các quy trình giải quyết với công dân; chủ động ứng vốn xây dựng đường cao tốc (Hạ Long-Hải Phòng, cầu Bạch Đằng; Hạ Long - Vân Đồn); cải tạo nâng cấp quốc lộ 18a Hạ Long – Mông Dương; cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng các giải pháp đồng bộ (từ năm 2012 đến nay thu hút được nguồn vốn trên 8,3 tỷ USD, trong đó trên 2,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài từ các nhà đầu tư chiến lược).

Trong công tác quy hoạch cán bộ, Quảng Ninh luôn thận trọng, khách quan, mở rộng đối tượng, bảo đảm các cơ cấu trẻ, nữ, dân tộc thiểu số; bổ nhiệm thông qua thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, Quảng Ninh luôn đổi mới cơ chế, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mở rộng xã hội hóa; huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển; thực hiện hợp tác công - tư theo các mô hình “Lãnh đạo công - quản trị tư”; “Đầu tư công - quản lý tư” và “Đầu tư tư - sử dụng công”.

Hàng năm, Quảng Ninh thực hiện rà soát tổ chức bộ máy để giảm dần phần NSNN cấp, tăng phần tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp. Năm 2016, 100% các đơn vị sự nghiệp tự chủ kinh phí, trong đó 90 đơn vị ngân sách đảm bảo 100%, 30 đơn vị tự chủ 100%.

Đây là nỗ lực đổi mới của tỉnh Quảng Ninh trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, được xây dựng công phu, thận trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đối với việc triển khai đề án 25, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Quảng Ninh nghiên cứu kỹ việc nhất thể hóa các chức danh, sáp nhập các phòng, ban, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc đề bạt, bổ nhiệm các cán bộ. Tỉnh Quảng Ninh cần rà soát, sắp xếp đơn vị công lập theo đúng chỉ đạo của Chỉnh phủ đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; đồng thời kịp thời đề xuất với Chỉnh phủ các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện./.

Lan Hương

Lan Hương

© Thời báo Tài chính Việt Nam