Đại biểu lo tăng trưởng GDP năm 2017 khó đạt 6,7%

16:44 | 02/11/2016 Print
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% vào năm 2017 là tương đối cao, khó thực hiện.

nguyen thai hoc

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên)

Ngày 2/11, thảo luận tại hội trường về kinh tế- xã hội, các đại biểu (ĐB) đã thể hiện sự đồng tình với nhiều nội dung đã được thể hiện trong các báo cáo kinh tế- xã hội của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc của kỳ họp, tuy nhiên các ĐB cũng kiến nghị nhiều vấn đề.

Đầu tư công kém hiệu quả cần làm rõ trách nhiệm cá nhân

Thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực trong năm 2016, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, từ những kết quả này, bước đầu người dân nhận thấy hình ảnh của một Chính phủ kiến tạo hành động vì dân qua những hoạt động.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thái Học cũng cho rằng hiện một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, quản lý tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.

“Trong tình hình ngân sách khó khăn, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn thì khuyết điểm nêu trên làm cho người dân bức xúc và bất bình. Chúng ta có Luật Đầu tư công, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng vì sao còn tồn tại thực trạng này, trách nhiệm của những người có trách nhiệm ra sao? Đề nghị Chính phủ công khai địa chỉ vi phạm, không nêu chung chung và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân”, ĐB đề nghị.

Cũng tại phiên thảo luận, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch phát triển vùng. Theo ĐB Thưởng, nhà nước phải là chủ thể thực hiện quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước, không nên để mỗi địa phương, mỗi tỉnh tự quy hoạch. Như vậy sẽ trăm hoa đua nở, dẫn đến việc quy hoạch và đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, liên kết không hiệu quả gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước và phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.

“Tôi đề nghị, việc quy hoạch và quy hoạch đầu tư cần có sự cân nhắc hết sức thận trọng phù hợp với từng vùng, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế”, ĐB Thưởng nói.

ĐB cũng ví dụ, do đánh giá không đầy đủ và thiếu thận trọng nên dự án nhà máy sản xuất sinh học Ethanol, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được khởi công từ quý III/2008 và dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động quý III/2010 với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.385 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay qua bốn lần điều chỉnh, số vốn đã tăng lên đến 2.484 tỷ đồng, nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành.

ĐB phân vân về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 6,7%

Trong khi đó, trên cơ sở đánh giá tác động không thuận của tình hình thế giới và thách thức từ những khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước, tại phiên thảo luận, ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đã bày tỏ sự phân vân về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% của năm 2017.

“Đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ hơn, có sức thuyết phục hơn cơ sở của chỉ tiêu này để đảm bảo tính khả thi cao của kế hoạch”, ĐB nói.

Đồng quan điểm, ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, trong bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao.

ĐB lý giải, trong 9 tháng đầu năm 2016, nền kinh tế mới chỉ tăng trưởng chưa đến 6%, các động lực chính của tăng trưởng, đầu tư công và xuất khẩu đều không đạt kế hoạch. Nền kinh tế thế giới vẫn chưa khởi sắc, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn và gần 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Bên cạnh đó, dịch bệnh, thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường…

“Dựa trên cơ sở nào để Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017? Vấn đề chính nằm ở chỗ thu chi ngân sách, nợ công đều được lập trên cơ sở tăng trưởng của GDP và nếu tăng trưởng không đạt chỉ tiêu thì sẽ có hiệu ứng “domino” đến các chỉ tiêu khác. Điều này chúng ta đã nhìn thấy trong vài năm gần đây, vậy Chính phủ đã có kịch bản xử lý cho tình huống này chưa?”, ĐB Lộc đặt câu hỏi.

Nghiêm túc thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường

Đề cập đến một vấn đề đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước trong suốt thời gian qua, tại phiên thảo luận, ĐB Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho biết, không cuộc tiếp xúc cử tri nào mà cử tri lại không phản ánh đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm là sự cố môi trường biển của Formora.

ĐB Thuật cũng đặt câu hỏi: “Đến nay chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về việc xả thải trái phép của Formosa, hoặc chúng ta cũng chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm nhà nước đối với vấn đề Formosa”.

Theo ĐB Thuật, tâm tư và nguyện vọng của nhân dân là rất đáng quan tâm và không thể làm ngơ, không thể không đồng cảm với những hoàn cảnh khốn khổ của hàng vạn đồng bào, người dân, doanh nghiệp.

Giải trình chung trước Quốc hội về các vấn đề môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Sau một loạt sự cố môi trường, đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Chính vì vậy, việc đổi mới cơ cấu nền kinh tế chính là xác lập vị trí mới của vấn đề môi trường”.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra, trước đây môi trường thường đi sau hoạt động phát triển, phát triển trước, làm sạch sau. Nhưng đến nay, vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình phát triển, vấn đề môi trường phải nằm ngay trong dự án đầu tư, trong từng chiến lược, quy hoạch.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, Bộ đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở từ khu công nghiệp đến các ngành xả thải, như khai thác khoáng sản, giấy, dệt nhuộm… và đã có những con số rõ ràng cho thấy trong thời gian tới cần có những biện pháp quyết liệt, nghiêm túc trong vấn đề thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời đánh giá tác động môi trường, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường./.

Hồng Chi

Hồng Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam