Thu nội địa 2 tháng đầu năm tăng mạnh, với mức tăng 12,8%

22:56 | 29/02/2016 Print
Chiều nay (29/2), Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2016, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và phóng viên các cơ quan báo chí.

hop bao cp t2

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyên Khắc Định chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016. Ảnh: M.A

Tín hiệu khả quan qua 2 tháng đầu năm

Ông Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Chính phủ nghe và thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2016 và một số nội dung quan trọng khác.

Sau khi thông báo tóm tắt những nét chính về đánh giá lại tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và hai tháng năm 2016 đưa ra tại phiên họp, ông Nguyễn Khắc Định cho biết: “Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả khả quan”.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2016 tăng 0,42% so với tháng trước. Xuất khẩu 2 tháng ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ, xuất siêu khoảng 865 triệu USD.

Thu hút vốn ODA, FDI tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn FDI thực hiện ước đạt 1,5 tỷ USD - tăng 15,4% cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký ước đạt trên 2,8 tỷ USD, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước; vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân ước đạt 275 triệu USD - tăng 8,7%.

Về tình hình thu – chi ngân sách nhà nước báo cáo cho biết: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2/2016, tổng thu NSNN ước đạt 160,1 nghìn tỷ đồng, đạt 15,8% dự toán năm, tăng 2,4% so với cùng kỳ, đặc biệt trong đó thu nội địa tăng mạnh và tăng 12,8%. Còn tổng chi NSNN ước đạt 185,59 nghìn tỷ đồng, bằng 14,6% dự toán năm, tăng 5,2%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng khá, 2 tháng tăng 6,6%. Nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết kém thuận lợi nhưng vẫn phát triển khá ổn định, bảo đảm nguồn cung trong và sau Tết Nguyên đán. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt khoảng 1,64 triệu lượt, tăng 16%.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2/2016, tổng thu NSNN ước đạt 160,1 nghìn tỷ đồng, đạt 15,8% dự toán năm, tăng 2,4% so với cùng kỳ, đặc biệt trong đó thu nội địa tăng mạnh và tăng 12,8%.

Đồng thời, các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, lao động việc làm, an sinh xã hội 2 tháng qua đều thực hiện tốt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội.

Các vấn đề về an ninh-quốc phòng, trật tự an toàn xã hội cơ bản tốt, các lượng lượng vũ trang, cơ quan chức năng đã làm tốt vai trò bảo đảm an ninh-quốc phòng, giữ gìn chủ quyền trên biển, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, kết hợp xử lý những vấn đề phát sinh về an ninh trật tự, chính trị xã hội rất ổn định.

“Chính phủ đánh giá chúng ta đã có một cái Tết an lành, lành mạnh và tốt hơn nhiều so với các Tết trước, không có vấn đề gì lớn phát sinh phải xử lý”, ông Nguyễn Khắc Định cho biết.

Giành thế chủ động, vượt qua thách thức

Tại phiên họp này, ông Nguyễn Khắc Định cho biết: Chính phủ đánh giá kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro; giá dầu ở mức thấp, chưa có hướng hồi phục; chính sách tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp của nhiều nước đã ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế nước ta, nhất là xuất nhập khẩu, thương mại, tỷ giá, thu chi ngân sách nhà nước...

Chính vì thế, đề cập đến những nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng: Giá dầu thô giảm và diễn biến hết sức khó lường nên đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành các cơ quan trung ương, địa phương phải theo sát, phân tích kỹ tình hình, dự báo và phản ứng chính sách kịp thời, cố gắng giành thế chủ động để vượt qua khó khăn thách thức, biến thách thức thành cơ hội.

“Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ trưởng phải trực tiếp nắm tình hình, trực tiếp thúc đẩy các quan hệ đối ngoại để đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường nước ngoài, tranh thủ uy tín chính trị của Đảng ta, của Nhà nước ta”, ông Định cho biết.

Bên cạnh đó, ông Định cũng cho biết, trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2016 này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ dành nhiều thời gian bàn là tập trung khắc phục thiên tai, đặc biệt là xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, khắc phục rét đậm, rét hại gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc dịp trước Tết…

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh sản xuất; thúc đẩy xuất khẩu. Phát huy những kết quả đạt được, thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ.

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường phòng chống cháy nổ, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng...

Các ngành, các cấp chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo điều hành của Chính phủ; các cam kết quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do (cả những mặt thuận lợi, cơ hội lẫn khó khăn, thách thức khi tham gia).

Tại phiên họp này, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các Bộ, cơ quan chuẩn bị, hoàn thiện các Báo cáo Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020; Kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, báo cáo bổ sung tình hình KTXH năm 2015 và triển khai Kế hoạch năm 2016, các dự án Luật,... để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quốc hội tại kỳ họp tới./.

Mai An

Mai An

© Thời báo Tài chính Việt Nam