Việt Nam cần đạt thu nhập bình quân 7.000 USD/người

08:45 | 24/02/2016 Print
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035.

VVD

Lễ công bố báo cáo Việt Nam 2035.

Sáng 23/2, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức họp báo công bố Báo cáo Việt Nam 2035, do Chính phủ và Nhóm WB phối hợp thực hiện.

Nâng cao năng lực giải trình của Nhà nước

Theo báo cáo này, để đạt được mục tiêu đầy tham vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, để nâng mức thu nhập trung bình lên trên 7.000 USD vào năm 2035 (khoảng 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương), so với 2.052 USD năm 2014 (khoảng 5.370 USD tính theo sức mua tương đương).

Trên cơ sở mục tiêu này, Báo cáo Việt Nam 2035 tập trung vào 3 trụ cột là nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội, nâng cao hiệu quả khu vực công.

Về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân, Báo cáo đưa ra một số biện pháp tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế và khu vực tài chính, trong đó tập trung vào nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền sở hữu tài sản và thực thi chính sách cạnh tranh.

Về thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội, Báo cáo cho rằng Việt Nam cần giải quyết khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm đa số tại Việt Nam.

Về nâng cao hiệu quả khu vực công, Báo cáo đề xuất cải thiện quản trị nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch; tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước dựa trên chức năng kiểm soát giữa 3 nhánh quyền lực và tạo cơ hội cho người dân góp ý về việc cung cấp dịch vụ công của Chính phủ.

Việt Nam từng có vị thế đáng nể trong khu vực

Phát biểu tại lễ công bố, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB cho rằng trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một trong những câu chuyện thành công nhất thế giới về phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại, những thành quả của Việt Nam có phần mong manh. Một phần ba dân số của Việt Nam, tức khoảng 30 triệu người, đang có nguy cơ rơi trở lại vào nghèo đói.

Đề cập đến thực tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều thành công nổi bật về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo nhưng Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo. "Chúng ta chưa bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được nhất là khi nhìn lại các nước bên cạnh có cùng điều kiện", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

“Có lẽ rất ít ai biết rằng đầu thế kỷ thứ 19 (1820) Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình thế giới. Hiện nay (năm 2014), thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình của thế giới (2.052/12.000 USD), chỉ bằng hơn 1/3 của Thái Lan và hơn 1/5 của Malaysia”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Yêu cầu đổi mới cấp bách hơn bao giờ hết

Mặc dù lưu ý mọi sự so sánh có thể là khập khiễng nhưng ông cũng nhấn mạnh hiện nay yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước đối với Việt Nam đang cấp bách hơn bao giờ hết.

Lý do bởi, Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng (1970-2025), như vậy chỉ còn khoảng tối đa là 10 năm thời kỳ mà cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động cao nhất sau đó giảm dần. Những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần ít phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều. Hơn nữa, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, do vậy nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.

“Vì ba lý do trên Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Đánh giá cao Báo cáo Việt Nam 2035, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết những khuyến nghị trong Báo cáo sẽ được Chính phủ Việt Nam tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách, trước hết là trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) và nghiên cứu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020-2030.

“Chúng tôi sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng những khuyến nghị của Báo cáo đồng thời tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, cập nhật những vấn đề quan trọng đối với quá trình phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Tháng 7/ 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã đưa ra sáng kiến xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với WB tập hợp các chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới và Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035. Sau gần 2 năm Báo cáo đã được hoàn thành, gồm 7 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn, đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.


H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam