Sẽ có 25 – 50 đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng

13:33 | 02/02/2016 Print
Trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá tới sẽ có gần 40% là ĐB ở Trung ương, hơn 60% ĐB ở địa phương. Dự kiến có 80 Ủy viên Trung ương Đảng tham gia Quốc hội, trong đó có 12 – 14 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Dự kiến có 25 – 50 ĐBQH là người ngoài Đảng.

PMC

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương giới thiệu hướng dẫn về công tác nhân sự ĐBQH khoá XIV và ĐB HĐND các cấp tại Hội nghị sáng 2/2.

Đây là con số dự kiến về số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khoá XIV được nêu tại Nghị quyết số 1135/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

7 ĐB là doanh nghiệp, hiệp hội

Theo đó, tổng số lượng ĐBQH khoá XIV là 500 người. Số lượng ĐBQH ở trung ương dự kiến là 198 ĐB (39,6%), trong đó các cơ quan Đảng là 11 ĐB, cơ quan Chủ tịch nước là 3 ĐB. Các cơ quan của QH (ĐBQH chuyên trách ở trung ương) là 114 ĐB, trong đó dự kiến khoảng 20% ĐB là phụ nữ và khoảng 10% ĐB là người dân tộc thiểu số.

Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ dự kiến có 18 ĐB, phấn đấu có ĐB là phụ nữ và ĐB là người dân tộc thiểu số. Bộ Công an có 3 ĐB, Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi cơ quan có 1 ĐB. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có 31 ĐB.

Số lượng ĐBQH ở địa phương dự kiến là 302 ĐB (60,4%). Trong số ĐB này cần đảm bảo tỷ lệ hợp lý ĐB là phụ nữ, là người dân tộc thiểu số, trẻ tuổi (dưới 40%), ĐB là người ngoài Đảng, ĐB tái cử.

Cơ cấu định hướng của UBTVQH gồm 226 ĐB, được phân bổ cho các cơ quan, tổ chức. Cụ thể là: Lãnh đạo chủ chốt ở địa phương là 63 ĐB (làm Trưởng đoàn ĐBQH); Phó trưởng đoàn ĐB chuyên trách địa phương là 67 ĐB; Mặt trận Tổ quốc có 10 ĐB; Công đoàn có 6 ĐB; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có 5 ĐB; Hội Liên hiệp Phụ nữ là 8 ĐB; Hội Nông dân 5 ĐB; Hội Cựu Chiến binh 3 ĐB; ĐB tôn giáo có 6 ĐB; Quân đội 16 ĐB; Công an 11 ĐB; Toà án nhân dân 4 ĐB; Viện Kiểm sát nhân dân 4 ĐB; Sở Tư pháp 5 ĐB; Viện nghiên cứu, trường đại học 6 ĐB; doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh có 7 ĐB, trong đó dự kiến phân bổ 3 doanh nghiệp nhà nước, 4 hiệp hội, nghiệp đoàn về sản xuất kinh doanh.

Cơ cấu hướng dẫn do các địa phương giới thiệu là 76 ĐB, gồm đại diện các ngành khoa học công nghệ, lao động thương binh và xã hội, giáo dục, y tế, văn hoá nghệ thuật, đại diện chính quyền cơ sở.

30% ĐBQH là nữ giới

Theo cơ cấu kết hợp, dự kiến số Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tham gia Quốc hội khoá XIV là khoảng 80 đồng chí, trong đó có 12 – 14 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. ĐB là người ngoài Đảng là từ 25 – 50 ĐB, ĐB tuổi dưới 40 khoảng 50 ĐB, ĐB tái cử khoảng 160 ĐB.

Với ĐB là người dân tộc thiểu số, Nghị quyết hướng dẫn khi lập danh sách chính thức những người ứng cử ít nhất là 162 người, bằng 18% tổng số người ứng cử và phấn đấu trúng cử ít nhất 90 ĐB (bằng 18% tổng số ĐBQH). Về tỷ lệ ĐB nữ giới, đảm bảo ít nhất 35% tổng số người trong danh sách ứng cử (tương đương 314 người) là nữ và phấn đấu trúng cử ít nhất 150 ĐB, bằng 30% tổng số ĐBQH.

Về nguyên tắc phân bổ số lượng ĐBQH, UBTVQH dự kiến mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 3 ĐB cư trú và làm việc tại địa phương. Số ĐB tiếp theo tính theo số dân và đặc điểm mỗi địa phương, bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 6 ĐB và tổng số ĐBQH dự kiến là 500 người.

Theo đó, hai địa phương dự kiến có số lượng ĐBQH cao nhất là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh (30 người mỗi thành phố). Trong đó số ĐB do Trung ương giới thiệu là 14 ĐB và ĐB do địa phương giới thiệu là 16. Các tỉnh đông dân như Thanh Hoá, Nghệ An, Đồng Nai, An Giang lần lượt có số ĐB dự kiến là 14, 13, 12 và 10 ĐB./.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam