Phấn đấu tỉnh nào cũng phải có huyện đạt chuẩn nông thôn mới

14:42 | 08/12/2015 Print
Ngày 8/12, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) tổ chức hội nghị toàn quốc “Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình NTM giai đoạn 2010 – 2015". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng phát biểu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: NNK

Huy động 851.380 tỷ đồng

Phát biểu tại buổi lễ , Bộ trưởng Bộ NN&PTN, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình NTM cho biết, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, nhà nước vẫn ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư cho chương trình. Ngoài ra, chương trình cũng đã huy động thêm nguồn đầu tư từ xã hội hóa, với tổng nguồn vốn huy động và ngân sách đầu tư trong 5 năm qua đạt khoảng 851.380 tỷ đồng.

Với nguồn lực này, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và người dân, chương trình NTM đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã.

Ở cấp huyện, đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, 8 huyện, thị xã đã có tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận.

Trong quá trình triển khai đã có nhiều mô hình, cách làm hay như có hơn 22.500 mô hình sản xuất nông lâm nghiệp tiên tiến, hiệu quả, là cơ sở để nhân rộng. Thu nhập đầu người tăng lên, mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010).

Biểu dương kết quả của chương trình trong 5 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, "đây là quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đồng thời là tiền đề để chương trình phấn đấu đạt mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo".

Phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn NTM

Theo Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình NTM, giai đoạn 2016-2020 đề ra mục tiêu phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, chương trình phải tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách như cơ chế huy động sử dụng nguồn lực, chính sách thu hút doanh nghiệp về với nông thôn…). Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương về xây dựng NTM.

Thủ tướng đề nghị, phải tuyên truyền vận động nhân dân các cấp, ngành đóng góp vào sự nghiệp xây dựng NTM, hiện đại hóa đất nước một cách thiết thực, cụ thể.

Đặc biệt, đối với vấn đề huy động nguồn lực cho chương trình, Thủ tướng nhấn mạnh, “ngân sách trung ương chi cho chương trình giai đoạn 2016-2020 là 290.000 tỷ đồng, đã tăng lên gấp 2 lần so với giai đoạn 2010-2015. Nguồn ngân sách này sẽ phân bổ cho các tỉnh trực tiếp quản lý. Theo đó, các địa phương phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, lồng ghép nguồn lực các chương trình với nhau, tránh lãng phí.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, "các địa phương tích cực vận động nhân dân đóng góp công sức phù hợp để hoàn thành mục tiêu đề ra; vận động các nguồn lực phía ngoài để tăng nguồn lực cho chương trình".

Thủ tướng yêu cầu, giai đoạn tới, chương trình phải phấn đấu tỉnh nào ít nhất cũng phải có 1 huyện đạt chuẩn NTM, toàn quốc không còn số xã đạt dưới 5 tiêu chí/19 tiêu chí của chương trình.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu, các địa phương cần huy động thêm các nguồn lực từ doanh nghiệp, nhân dân đóng góp để tăng nguồn lực cho chương trình. Cùng với đó, phải xem 2 chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo là một, lồng ghép các nguồn lực với nhau. Cả hệ thống chính trị phải có tinh thần cao hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân ra diện rộng.

Song song đó, gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Không những vậy, chương trình phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. "Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng phải là giải pháp quan trọng hàng đầu. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng NTM”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam