Kinh tế Việt Nam: Củng cố tài khóa là nhiệm vụ quan trọng

14:35 | 02/12/2015 Print
Báo cáo Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố hôm nay (2/12) cho biết: Kinh tế Việt Nam đã đạt tăng trưởng GDP trong năm 2015, tuy nhiên thời gian tiếp theo cần cẩn trọng với nhiều nguy cơ về tài khóa.

hop bao wb

Các chuyên gia WB trình bày báo cáo. Ảnh: LV

GDP dự kiến tăng 6,6% vào năm 2016

Các chuyên gia của WB dự kiến đà tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp. GDP dự kiến sẽ tăng 6,5% trong năm 2015 và lên 6,6% vào năm 2016, nhờ cầu trong nước tiếp tục được phục hồi do tiêu dùng cá nhân và đầu tư gia tăng.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của WB, tuy triển vọng chung tích cực, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro bất lợi.

Trong nước, tốc độ tái cơ cấu chậm chạp gây ra nhiều rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng trung hạn. Việc trì hoãn thực hiện thắt chặt tài khóa cũng có thể tác động lên mức độ bền vững nợ, nhất là khi đề cập đến các khoản nợ dự phòng liên quan tới ngân hàng và các DNNN.

Do vậy, củng cố tài khóa vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhằm kiểm soát rủi ro và tăng cường bền vững tài khóa.

WB phân tích, trong 9 tháng đầu năm, áp lực tài khóa vẫn rất nóng bỏng. Giá dầu giảm và giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp đã dẫn đến giảm thu ngân sách. Đồng thời, chi lại tăng nhanh hơn thu do phải tăng chi thường xuyên, dẫn đến thâm hụt tài khóa ước khoảng 4,9%.

"Nếu tiếp tục tình trạng mất cân đối tài khóa như hiện nay thì nợ công sẽ gia tăng nhanh chóng và tổng nợ công sẽ chạm tới ngưỡng giới hạn 65% GDP trong trung hạn", WB cảnh báo.

Đối mặt với những thách thức

WB cho rằng, mặc dù tốc độ cổ phần hóa đã có chút cải thiện, nhưng nhiều trường hợp cổ phần hóa mới chỉ bán được một lượng ít cổ phiếu nên tác động tới đầu tư và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa được như mong muốn.

Việt Nam đã cải thiện đôi chút thứ hạng môi trường kinh doanh từ vị trí 93 năm 2015 lên 90 năm 2016 trong tổng số 189 nền kinh tế. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đang xếp dưới mức trung bình của các nước trong nhóm ASEAN-4, trong đó nổi lên vấn đề chậm hoàn thiện khung thể chế, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, việc xử lý nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống đã giảm xuống còn 3% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu vẫn đang diễn ra chậm chạp, đến nay chỉ có khoảng 7% tổng nợ xấu được xử lý.

Các chuyên gia của WB cảnh báo, cùng với tăng trưởng tín dụng, các rủi ro trong ngành ngân hàng, kể cả nguy cơ tăng trưởng nóng cũng tăng theo và nếu không được quản lý cẩn trọng sẽ dẫn đến một đợt bất ổn định mới. Đối với môi trường bên ngoài, tăng trưởng chậm hơn dự kiến tại các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng tới xuất khẩu và tăng trưởng chung của Việt Nam.

Ngoài ra, dự kiến lãi suất chính sách tại Hoa Kỳ tăng lên cũng sẽ làm cho chênh lệch tỷ suất trái phiếu Chính phủ tăng theo. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế nhằm tài trợ cho nhu cầu tài chính công của Việt Nam.

Theo ông Sebastian Eckardt, trong điều kiện môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn như vậy, cần đảm bảo quản lý kinh tế vĩ mô tốt thì mới có thể tạo khoảng đệm chính sách và đối phó được với các cú sốc trong tương lai./.

Vũ Luyện

Vũ Luyện

© Thời báo Tài chính Việt Nam