Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nợ hơn 1,56 triệu tỷ đồng

17:25 | 23/11/2015 Print
Theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) tổng số nợ phải trả năm 2014 là 1.567.063 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013.

nợ tập đoàn, tổng công ty

Ảnh T.L minh họa.

Số liệu của Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước về tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của 781 DNNN cho biết: Tổng tài sản của các doanh nghiệp là 3.105.453 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2013 (xét trong cùng số lượng 781 DNNN hiện có năm 2014).

Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 43% tổng tài sản. Trong đó khối các TĐ,TCT, Công ty mẹ - con có tổng tài sản là 2.791.967 tỷ đồng, chiếm 90% tổng tài sản; các Công ty TNHH MTV độc lập còn lại chiếm 10% tổng tài sản.

Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp là 1.233.723 tỷ đồng, tăng 7 % so với năm 2013 (xét trong cùng số lượng 781 DNNN hiện có năm 2014), trong đó, khối các TĐ,TCT, Công ty mẹ - con là 1.112.445 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2013...

Nợ vay tín dụng hơn 553.000 tỷ đồng

Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết, theo báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT tổng số nợ phải trả năm 2014 là 1.567.063 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2014 là 1,41 lần (có 28 TĐ,TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần)...

Cụ thể, TCT Phát thanh truyền hình thông tin (48,27 lần); TCT Lắp máy Việt Nam(11,67 lần); TCT 36 (11,01 lần); TCT Sông Đà (10,03 lần); TCT Thành An (9,36 lần); TCT Trường Sơn (9,24 lần)...

Trong đó, nợ vay (vay ngắn hạn và dài hạn) từ các NHTM và tổ chức tín dung (TCTD) của các TĐ,TCT là 553.014 tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2013. Một số TĐ,TCT có số nợ vay từ các NHTM và TCTD tương đối lớn như: TĐ Dầu khí quốc gia Việt Nam (174.434 tỷ đồng); TĐ Điện lực Việt Nam (108.457 tỷ đồng); TĐ Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (46.170 tỷ đồng); TCT Hàng hải Việt Nam (32.282 tỷ đồng); TCT Sông Đà (20.327 tỷ đồng); TCT Xi măng Việt Nam (15.729 tỷ đồng)...

Báo cáo cũng nêu rõ, nợ nước ngoài của các TĐ,TCT là 381.419 tỷ đồng (vay ngắn hạn là 26.955 tỷ đồng; vay dài hạn là 354.464 tỷ đồng). Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ là 117.986 tỷ đồng; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 124.104 tỷ đồng; vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả là 91.879 tỷ đồng...

Tập đoàn Dầu khí dẫn đầu nợ khó đòi

Báo cáo cũng nêu rõ, tổng nợ phải thu của các TĐ, TCT là 293.617 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2013. Tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản năm 2014 là 11%. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.570 tỷ đồng, tăng 18,6% so với thực hiện năm 2013, chiếm 4,6% tổng số nợ phải thu.

Cụ thể, theo báo cáo hợp nhất, TĐ có nợ phải thu khó đòi cao nhất là TĐ Dầu khí Quốc gia Việt Nam là 3.113 tỷ đồng, tiếp đến là TĐ Bưu chính viễn thông Việt Nam (1.807 tỷ đồng); TĐ Viễn thông quân đội (616 tỷ đồng); TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam (613 tỷ đồng); TĐ Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (608 tỷ đồng); TCT Lương thực Miền Nam (544 tỷ đồng);TCT Lương thực Miền Bắc (504 tỷ đồng); TCT Hàng không Việt Nam (391 tỷ đồng); TCT Viễn thông Mobifone (344 tỷ đồng); TCT Cảng Hàng không Việt Nam (299 tỷ đồng)...

"Báo cáo hợp nhất của các TĐ,TCT có tổng số hàng tồn kho là 216.255 tỷ đồng, chiếm 8%/tổng tài sản. Trong đó, một số TĐ,TCT có giá trị hàng tồn kho lớn như: TĐ Dầu khí quốc gia Việt Nam (29.565 tỷ đồng); TCT Becamex Bình Dương (22.814 tỷ đồng); TĐ Điện lực Việt Nam (16.604 tỷ đồng); TĐ Than khoáng sản Việt Nam (16.377 tỷ đồng); TĐ Viễn thông quân đội (15.256 tỷ đồng)...", báo cáo chỉ rõ.

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ, nợ phải thu khó đòi và tỷ lệ nợ phải thu /tổng tài sản năm 2014 tăng hơn năm 2013, tập trung chủ yếu ở ngành xây dựng, nông nghiệp, điều này cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản chưa rõ nét, khả năng tiêu thụ bất động sản còn chậm. Đặc biệt, đối với sản phẩm nông nghiệp khả năng cạnh tranh thấp, sản xuất mang tính thời vụ, các yếu tố trên là nguyên nhân dẫn tới thời gian thanh toán khi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp phải kéo dài, làm tăng nợ phải thu và rủi ro nợ khó đòi./.

Hồng Chi

Hồng Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam