Chỉ ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung những vụ án nghiêm trọng

11:16 | 06/11/2015 Print
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay để đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, trước hết chỉ ghi âm, ghi hình những vụ án nghiêm trọng, những vụ án tham nhũng lớn, vụ án có tổ chức.

Trần đình sơn

ĐB Trần Đình Sơn (Đắk Lắk).

Lãng phí khi ghi âm, ghi hình tất cả hoạt động hỏi cung

Tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), nhiều ĐB không tán thành quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can và đề xuất chỉ ghi âm, ghi hình trong những trường hợp bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan hoặc không nhận tội.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta thì chỉ quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, còn tại các địa điểm khác cần có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền về việc có cần thiết ghi âm, ghi hình hay không.

ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) thì cho rằng, hàng năm cơ quan điều tra xử lý hàng trăm nghìn vụ án hình sự nếu thực hiện như dự thảo sẽ tốn hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đó là chưa kể tiền nâng cấp, bảo quản máy móc và chi phí cho đội ngũ cán bộ làm công tác ghi âm, ghi hình. “Bản ghi âm, ghi hình có in sao và gửi kèm hồ sơ bản án không hay chỉ làm xong bỏ vào kho cất giữ, như vậy sẽ rất lãng phí”, ĐB đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, hoạt động tội phạm rất đa dạng, nếu bắt buộc ghi âm, ghi hình thì phải cho bị can xác định lại băng ghi âm, ghi hình, như vậy mất rất nhiều thời gian và tốn kém kinh phí. Vì vậy, chỉ ghi âm, ghi hình những vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

“Thời gian qua xảy ra bức cung, nhục hình theo tôi liên quan nhiều đến trình độ của điều tra viên, vì vậy chúng ta cần xem lại trình độ chuyên môn của đội ngũ điều tra viên”, ĐB đề nghị.

ĐB Trần Đình Sơn (Đắk Lắk) cũng kiến nghị với điều kiện của Việt Nam hiện nay việc thực hiện ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can cần có lộ trình, trước hết chỉ ghi âm, ghi hình những vụ án nghiêm trọng, những vụ án tham nhũng lớn, vụ án có tổ chức…

Cơ quan kiểm ngư thực hiện công tác điều tra

Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số đại biểu kiến nghị bổ sung kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Đại biểu Trần Đình Sơn (Đắk Lắk) nhấn mạnh, do tình hình tội phạm liên quan đến đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia cần thiết giao cho cơ quan kiểm ngư tiến hành một số hoạt động điều tra.

Về quy định rút ngắn thời hạn tạm giam đối với bị can, bị cáo đa số đại biểu đồng tình, tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ thời gian tạm giam là bao lâu với các tội khác nhau như: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp như giết người, cướp tài sản; ma túy, kinh tế, tham nhũng lớn...

Về quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án, đa số ĐB cho rằng để đảm bảo quyền tự bào chữa của bị can, kể cả trường hợp bị can nhờ hoặc không nhờ người bào chữa thì kể từ khi kết thúc điều tra và khi có yêu cầu, họ có quyền đọc, ghi chép bản sao các tài liệu liên quan. Tuy nhiên để bảo đảm tính khả thi cần xác định rõ phạm vi các tài liệu và thời điểm bị can được đọc, ghi chép tài liệu đó. Đồng thời, ĐB cũng kiến nghị cần có quy định về việc bị can được quyền đọc tài liệu hồ sơ đã được số hóa.../.

Hồng Chi

Hồng Chi

© Thời báo Tài chính Việt Nam