Lấy phiếu tín nhiệm Hội đồng nhân dân: Kết quả quá tốt có đúng thực tế?

13:19 | 15/09/2015 Print
Sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát về hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

TTM

Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai.

Đánh giá chung, các thành viên UBTVQH cho rằng báo cáo có chất lượng tốt, tổng hợp đầy đủ tình hình. Tuy nhiên, một số vấn đề về vai trò, hoạt động của HĐND chưa được làm rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng báo cáo đã phân tích đầy đủ mặt mạnh, mặt yếu, tuy nhiên cần có đánh giá cụ thể hơn về một số vấn đề như chất lượng ban hành văn bản, Nghị quyết của HĐND. Kết quả giám sát trước đây đã phát hiện một số Nghị quyết của HĐND trái luật, không hợp hiến. Trong khi đó bản báo cáo giám sát này chưa nói cụ thể về chất lượng của các Nghị quyết, liệu có hợp hiến, có đi vào cuộc sống hay không, việc nâng cao chất lượng văn bản thời gian đã được thực hiện ra sao?

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề về đánh giá vai trò thực chất của các HĐND. “Qua giám sát, có những tỉnh thu ngân sách hàng nghìn tỷ, nhưng chỉ tập trung đầu tư vùng đồng bằng, còn lại vùng sâu vùng xa, dân tộc lại trông chờ vào ngân sách trung ương. Tư tưởng ỷ lại rất rõ và có liên quan đến vai trò của HĐND. Đọc báo cáo này, tôi băn khoăn liệu vai trò của HĐND có thật hay chỉ là UBND đưa ra là đồng ý?”, Chủ tịch Ksor Phước nói.

Nhìn từ các số liệu cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng cần làm sáng tỏ thêm hoạt động của HĐND từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Có một số địa phương trong 4 năm ban hành rất ít Nghị quyết (11 - 13 Nghị quyết trong 4 năm). “Chưa nói đến chất lượng, ít Nghị quyết như vậy có đủ để thực hiện quyền hạn của HĐND tại địa phương trong 4 năm hay không?”, bà Trương Thị Mai đặt câu hỏi.

Tương tự là kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND theo Nghị quyết 35. Theo bà Trương Thị Mai, nhìn kết quả được thống kê là “quá tốt”, còn tốt hơn kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội với 49 chức danh. Kết quả rất tốt như vậy liệu có đúng thực tế hay không, và nếu không đúng thực tế thì việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND hiện nay đang phản ánh vấn đề gì, bà Trương Thị Mai băn khoăn.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng nêu vấn đề đảm bảo thêm các điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, đảm bảo tính thực chất. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, báo cáo giám sát sau khi hoàn thiện sẽ cơ sở để Quốc hội với họp với Chính phủ về đánh giá hoạt động của HĐND, chuẩn bị cho việc bầu cử HĐND nhiệm kỳ tới.

Theo báo cáo giám sát, năm 2013, HĐND của 63/63 tỉnh, thành phố đã tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người. Đại biểu có tỷ lệ số phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên có 694 người (chiếm 76,51%), đại biểu có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% có 2 đại biểu (chiếm 0,22%). Năm 2014, có 812 người được HĐND lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu có tỷ lệ số phiếu “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên có 621 người (chiếm 76,48%); đại biểu có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% có 01 đại biểu (chiếm 0,1%). Không có đại biểu có tỷ lệ tín nhiệm thấp trên 50% ở hai lần liên tiếp.

Theo đánh giá của các địa phương, kết quả lấy phiếu đã phản ánh đúng thực trạng hoạt động của bộ máy nhà nước ở địa phương, năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm. Thông qua việc lấy phiếu và kết quả phiếu tín nhiệm, giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, có phương hướng khắc phục những khuyết điểm, tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, đồng thời làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ trong thời gian tiếp theo.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam