Tạo điều kiện tối đa để học sinh, sinh viên hưởng quyền lợi BHYT

14:57 | 14/09/2015 Print
(TBTCVN) - Bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), đã trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh vấn đề dư luận đang quan tâm về mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2015 - 2016 tăng cao.

khai giảng

Học sinh tiểu học trong ngày khai giảng năm học mới.

Bà Hằng cho biết: “Ngân sách nhà nước (NSNN) mặc dù rất khó khăn, nhưng nhiều năm qua, Nhà nước luôn dành nguồn kinh phí hỗ trợ BHYT cho nhiều đối tượng HSSV; đặc biệt là trường hợp HSSV thuộc diện chính sách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng”. “Ngân sách nhà nước (NSNN) mặc dù rất khó khăn, nhưng nhiều năm qua, Nhà nước luôn dành nguồn kinh phí hỗ trợ BHYT cho nhiều đối tượng HSSV; đặc biệt là trường hợp HSSV thuộc diện chính sách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng”.

Đỗ Thị Thúy Hằng

Bà Đỗ Thị Thúy Hằng

PV: Năm học 2015 - 2016, HSSV phải đóng BHYT tăng từ 3% mức lương cơ bản lên 4,5% và tính theo năm tài chính. Mức đóng này được dư luận cho rằng quá cao so với mức cũ. Xin bà cho biết, căn cứ trên cơ sở nào để tính toán mức đóng này, và Bộ Tài chính có tính đến đối tượng đóng không có thu nhập từ lương, thưa bà?

- Bà Đỗ Thị Thúy Hằng: Việc thu BHYT của HSSV hiện nay bằng 4,5% mức lương cơ sở, được Quốc hội quy định rõ trong Luật BHYT năm 2014 và trong Nghị định số 105 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.

Thực tế trong nhiều năm qua, Nhà nước rất quan tâm đến công tác chăm lo sức khỏe cho người dân, đặc biệt là các đối tượng HSSV nên đã tạo điều kiện tối đa để HSSV hưởng quyền lợi tham gia BHYT. Vì vậy, khi xây dựng mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội quy định về mức hỗ trợ đóng BHYT đối với HSSV theo hướng bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng HSSV.

Đối với trường hợp HSSV thuộc diện chính sách xã hội, HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được NSNN đảm bảo 100% mức đóng BHYT.

Trường hợp HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại, NSNN hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT.

Trường hợp HSSV thuộc các đối tượng còn lại, được NSNN hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT.

PV: Hiện các trường thu BHYT HSSV được trích hoa hồng (4%), có ý kiến cho rằng mức này cao, nhưng cũng có ý kiến cho rằng thấp. Bà có thể lý giải, mức hoa hồng này căn cứ trên quy định nào và có hợp lý, thưa bà?

- Bà Đỗ Thị Thúy Hằng: Việc trích hoa hồng cho nhà trường dựa trên quy định tại Quyết định số 04 (năm 2011) của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Thông tư số 134 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 04. Cụ thể: Mức chi tối đa không quá 5% tổng số thu tiền đóng của HSSV (không bao gồm số thu tiền do NSNN hỗ trợ mức đóng).

Luật BHYT quy định, trách nhiệm của nhà trường phải lo sức khỏe HSSV nên không đặt nặng vấn đề hoa hồng cao hay thấp. Vì sao chúng ta không đặt nặng vấn đề hoa hồng, bởi BHYT HSSV là bảo hiểm bắt buộc, không phải là hình thức kinh doanh thương mại. Mặc dù, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học không quy định trách nhiệm Bộ Giáo dục phải thu BHYT, tuy nhiên, Luật BHYT lại quy định ngành Giáo dục thu BHYT, mà cụ thể là các nhà trường phải thực thi nhiệm vụ này cho HSSV. Vì vậy, cơ chế hoa hồng cho nhà trường thu BHYT ở mức 4% vẫn là mức thấp so với mức thu bảo hiểm thương mại.

Với quy định mức chi hoa hồng không tính trên số tiền được NSNN đóng, hỗ trợ, nên số tiền thực tế chi cho nhà trường không nhiều, chỉ đảm bảo chi phí tối thiểu cho việc lập và tổng hợp danh sách tham gia BHYT tại nhà trường. Ngoài ra, mức hoa hồng này cũng phần nào khuyến khích, động viên các trường có thêm kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe học đường cho HSSV.

PV: Được biết, 3 ngành: Tài chính, Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa thành lập Tổ nghiên cứu, xem xét nhiều nội dung của chính sách BHYT mới, cụ thể là biên tập, sửa đổi Thông tư liên tịch số 41 (ban hành tháng 11/2014), quan điểm của Bộ Tài chính như thế nào về vấn đề này, thưa bà?

- Bà Đỗ Thị Thúy Hằng: Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT nói chung và Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 nói riêng để bảo đảm phù hợp với thực tế và tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT là cần thiết.

Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung này cần phải dựa trên cơ sở đánh giá cụ thể về thực hiện BHYT tại các địa phương. Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Y tế khảo sát việc thực hiện BHYT tại một số tỉnh như Đắk Lắk, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương và kết quả khảo sát thực tế của đoàn công tác, Bộ Tài chính phối hợp Bộ Y tế sẽ xem xét cụ thể những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

PV: Xin cảm ơn bà!

H.TR

H.TR

© Thời báo Tài chính Việt Nam