Chính phủ yêu cầu phấn đấu tăng các khoản thu ngoài dầu thô

08:02 | 08/09/2015 Print
Một loạt các nội dung quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 2016 đã được Chính phủ quyết định tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2015, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 7/9.

kinh tế xã hội

Ảnh T.L minh họa

Tăng thu, cơ cấu lại các khoản chi

Theo đó, tại Nghị quyết, Chính phủ đã thống nhất với kiến nghị của Bộ Tài chính về các giải pháp điều hành NSNN năm 2015 và xây dựng dự toán NSNN năm 2016.

Đối với thực hiện NSNN năm 2015, Chính phủ yêu cầu phấn đấu tăng các khoản thu ngoài dầu thô, giữ bội chi NSNN theo mức Quốc hội đã quyết định, góp phần ổn định và bảo đảm cân đối vĩ mô.

Với dự toán NSNN năm 2016, sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng dự toán thu theo hướng tích cực, bảo đảm tỷ lệ huy động thu ngân sách trên GDP không thấp hơn so với thực hiện năm 2015.

Đi đôi với đó là cơ cấu lại các khoản chi NSNN, trong đó, không tăng các khoản chi thường xuyên so với dự toán năm 2015, nhất là chi bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm.

Tại Nghị quyết, Chính phủ cho biết, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, do vậy không trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc ứng trước kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2016.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương xem xét điều chỉnh trong số vốn kế hoạch năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, sử dụng nguồn vượt thu ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư. Đồng thời chủ động bố trí trong cân đối kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các dự án cần thiết, cấp bách đã cố ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, xem xét dành nguồn để xử lý tiền lương, trước hết là xử lý bất hợp lý về tiền lương hưu cho một số đối tượng lương hưu thấp; bố trí hợp lý dự toán chi đầu tư phát triển, phấn đấu tăng đầu tư phát triển nguồn NSNN, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ đầu tư cấp thiết.

Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp tăng thu NSNN, huy động các nguồn vốn khác như nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung tăng đầu tư phát triến nguồn NSNN trong trung hạn, đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư cấp thiết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong phân bổ vốn ngân sách trung ương kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, dành khoảng 5% dự phòng (chưa phân bổ) để Chính phủ chủ động điều hành xử lý các vấn đề phát sinh chung của cả nước trong giai đoạn 5 năm tới.

Việc phân bổ vốn cho từng bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện theo Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 5.8. 2014, bảo đảm công bằng, hợp lý, công khai, minh bạch, cân đối giữa các bộ, ngành trung ương, giữa các vùng miền và địa phương. Mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của từng bộ, ngành trung ương và địa phương tăng khoảng 10%/năm so với kế hoạch năm 2015 (đã trừ các yếu tố tăng bất thường trong năm 2015).

Không bố trí vốn đầu tư trung hạn để khởi công mới các dự án

Đối với việc bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) và hoàn trả vốn ứng trước, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương phải ưu tiên bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn để xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng.

Theo đó, đối với các bộ, ngành trung ương và địa phương có số nợ đọng XDCB và ứng trước không lớn, yêu cầu phải tự bố trí đủ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm để thanh toán và thu hồi các khoản ứng trước; phần còn lại bố trí vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA và bố trí vốn để hoàn thành các dự án chuyển tiếp, số vốn còn lại (nếu có) mới cho phép khởi công các dự án mới.

Một số bộ, ngành trung ương và một số địa phương có số nợ đọng XDCB và số ứng trước lớn (kế hoạch trung hạn không còn nguồn để bố trí đối ứng ODA và các dự án chuyển tiếp), phải bố trí đủ vốn để thanh toán.

Đối với các địa phương nếu trong kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương không cân đối đủ, cho phép địa phương sử dụng nguồn tăng thu (sau khi đã bố trí để cải cách tiền lương) hàng năm để trả nợ. Đối với các địa phương không có tăng thu ngân sách phải huy động các nguồn vốn khác, như xổ số kiến thiết và các nguồn vốn hợp pháp khác để thanh toán nợ đọng XDCB. Các địa phương xây dựng phương án cụ thể số vốn trả nợ từ kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương và số vốn trả nợ từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác.

Đồng thời, bố trí vốn để thanh toán khoảng 50% số vốn ứng trước, số vốn còn lại (sau khi đã bố trí đủ nguồn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản như đã nêu trên) để đổi ứng các chương trình, dự án ODA, các dự án chuyển tiếp. Không được bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn để khởi công mới các dự án, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bố trí vốn TPCP còn thiếu cho 17 dự án quan trọng

Đối với kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành trung ương và địa phương liên quan dự kiến phương án phân bổ chi tiết số vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phương án phân bổ trên nguyên tắc: đối với các dự án đã bố trí vốn TPCP nhưng còn thiếu nguồn, bố trí đủ số vốn còn thiếu cho 17 dự án quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng theo quy định và Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La theo tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Không bổ sung vốn TPCP giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án đã bố trí đủ phần vốn TPCP theo quy định tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các chương trình, dự án mới chỉ tập trung chủ yếu cho các dự án lớn trong 3 lĩnh vực: hạ tầng giao thông, thủy lợi, bệnh viện trung ương và một số địa phương từ khi đổi mới đến nay chưa được đầu tư bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam