Quy định chặt hơn việc đại biểu vắng mặt khi họp Quốc hội

14:39 | 19/08/2015 Print
Trong buổi làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 40 (chiều 18/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội.

SH

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Lần đầu tiên được đưa ra thảo luận, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi lần này bao gồm các quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục cho việc tổ chức kỳ họp Quốc hội; quy định về thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục cụ thể trong các quy trình thực hiện tại kỳ họp Quốc hội. Nội quy quy định dẫn chiếu đối với một số nội dung, nguyên tắc, trình tự, thủ tục đã được các luật khác quy định (như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn,…).

Một nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý tại phiên họp là việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tại kỳ họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, dự thảo cần đề cao trách nhiệm có mặt, tham dự các buổi làm việc trong Kỳ họp của đại biểu Quốc hội, tránh tình trạng nhiều phiên họp quá nhiều đại biểu vắng mặt.

“Đại biểu của nhân dân mà họp thấy hội trường vắng hoe. Cứ nói kiêm nhiệm nhưng có thành viên Chính phủ luôn có mặt, trừ khi đi công tác nước ngoài, trong khi đại biểu chức trách không lớn lắm vẫn thường xuyên vắng mặt. Do đó, quy định này cần chặt chẽ hơn”, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Giàu, việc điểm danh bằng thẻ đối với đại biểu Quốc hội cần có quy chế và chế tài đối với việc sử dụng thẻ. Ngoài ra, quy định lý do vắng mặt tại kỳ họp phải được gửi bằng văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội là chưa phù hợp mà trước tiên phải gửi trưởng đoàn đại biểu.

Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, quy định về gửi lý do xin vắng mặt là chưa khả thi. Theo ông Dũng, cần phân loại vắng mặt bao lâu: một buổi, một ngày, dài ngày hay toàn kỳ họp để người xin vắng báo cáo Trưởng đoàn, Tổng thư ký kỳ họp hay Chủ tịch Quốc hội.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên bố trí đại biểu Quốc hội đi công tác nước ngoài vào thời điểm diễn ra kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp đoàn cấp cao, cấp Nhà nước.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị xem xét cả quy định về việc chủ tọa kết luận phiên họp, hình thức kết luận, giá trị của kết luận cũng như ấn định thời gian kết luận tương tự như đã ấn định thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị cần ấn định rõ cả thời gian đọc báo cáo, tránh tình trạng nhiều báo cáo quá dài dòng, đảm bảo thời lượng buổi làm việc.

Dự kiến Nội quy kỳ họp sau khi sửa đổi, thông qua sẽ được áp dụng tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa 14 (tháng 5/2016)./.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam