GDP có thể đạt 6,5% trong năm 2015

09:10 | 05/08/2015 Print
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) dự báo: Tăng trưởng GDP có khả năng đạt 6,5% trong năm 2015.

Kinh tế khả quan, doanh nghiệp phục hồi

Trong báo cáo kinh tế 7 tháng năm 2015, NFSC cũng dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2015 ở mức 6,4%, cao hơn mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2015 là 6,28%.

NFSC đánh giá tăng trưởng phục hồi có đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tăng trưởng tốt; nhập siêu so với kim ngạch XK giảm so với 6 tháng đầu năm. Biểu hiện ở con số 7 tháng năm 2015, tổng kim ngạch XK ước đạt 92,3 tỉ USD, tăng 16,4%; nhập siêu ước 3,4 tỉ USD, bằng 3,6% tổng kim ngạch XK (giảm 1,2 điểm phần trăm so với 6 tháng năm 2015).

Khu vực doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu phục hồi khá, tăng trưởng về quy mô tốt nhất kể từ năm 2009. Quy mô khu vực DN phi tài chính tại quý I tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Tổng doanh thu bình quân, tổng tài sản bình quân và vốn chủ sở hữu bình quân toàn khu vực trong quý I lần lượt tăng 49,29%, 86,31% và 79,69% so với cùng kỳ năm 2014; mức cao nhất kể từ quý I/2009.

Trước những dấu hiệu tích cực từ những yếu tố kinh tế vĩ mô, như GDP tăng trưởng khá, lạm phát thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực DN phi tài chính đang dần ổn định hơn.

Nhóm DN vừa và nhỏ (DNVVN) tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ kể từ cuối năm 2014. Điều này biểu hiện ở mức tăng trưởng doanh thu bình quân tại quý I của khu vực là 60,93%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 (15,89%).

NFSC cho rằng, nguyên nhân là sau thời gian dài, cùng với sự nỗ lực từ phía các DN và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tình hình sản xuất kinh doanh của khu vực DNVVN đã có nhiều cải thiện tích cực.

Cũng theo NFSC, tăng trưởng phục hồi khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Tiêu dùng tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng ước tăng 9,9%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 6,3%) - mức cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng - CCI do ANZ công bố, tại tháng 7 ở mức 138,6 điểm, giảm 4,5 điểm so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2014 là 7,6 điểm, và cao hơn mức trung bình của năm 2014 (trung bình năm 2014 là 133 điểm).

Lưu ý vấn đề tỷ giá và ngân sách

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng đánh giá thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì ổn định trong 7 tháng qua.

Các yếu tố giúp thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định là việc NHNN cho thấy sự nhất quán trong điều hành tỉ giá. Và mức giá bán ra của NHNN vẫn giữ vai trò ngưỡng chặn trên vững chắc của thị trường.

Cùng với đó, cán cân thương mại có sự cải thiện, kiều hối năm 2015 dự kiến lên tới 13-14 tỷ USD, vốn FDI giải ngân có xu hướng tăng. Trừ một số ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, cần hỗ trợ thanh khoản, các tổ chức tín dụng khác thanh khoản tương đối ổn định.

Tuy nhiên, NFSC nhận xét, việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) còn chậm: Tháng 7, phát hành TPCP chỉ đạt 34% so với kế hoạch cả năm. Lũy kế 7 tháng phát hành TPCP vẫn thấp so với kế hoạch, mặc dù tỉ lệ trúng thầu TPCP trong tháng 7 cải thiện hơn (tỉ lệ trúng thầu/gọi thầu trong tháng 7 tăng lên 63,8%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015).

Lãi suất phát hành TPCP giữ ở mức cao là 6,4%, 6,7% và 7,65% cho các kỳ hạn tương ứng 5 năm, 10 năm và 15 năm.

Tính từ đầu năm đã phát hành được 86.106,69 tỷ đồng TPCP qua KBNN, đạt 34,4% kế hoạch năm với tỷ lệ huy động thành công là 58,4% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,48 năm. KBNN cũng vừa ban hành kế hoạch phát hành TPCP quý III và thông báo phát hành TPCP kỳ hạn 20 năm.

Ngược lại với giảm tốc của phát hành TPCP, tín dụng tăng khá mạnh. Tính đến ngày 20/7, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,32% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ 2014 tăng 3,15%).

Theo khảo sát của NFSC, hộ gia đình có xu hướng đầu tư vào sản xuất trở lại. 31% số người được hỏi đang có dự định đầu tư vào sản xuất và cung cấp dịch vụ, tăng 10 điểm phần trăm so với quý I/2014.

Cũng theo cuộc khảo sát này, 51% số người được khảo sát có tiền gửi tại các TCTD, giảm khoảng 11% so với khảo sát trước đó vào quý III/2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Điều này cũng tương xứng với thông tin các hộ gia đình tăng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Một điểm cần lưu ý nữa là thu ngân sách: Đến ngày 15/7 đạt 52,3% so với dự toán cả năm 2015, thấp hơn so với cùng kỳ 2014 (57,3%).

Giá dầu giảm là nguyên nhân chính khiến thu ngân sách khó khăn: Thu từ dầu thô giảm 32,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nội địa tăng khá (tăng 15,1% so với cùng kỳ) và dự kiến tiếp tục cải thiện 5 tháng cuối năm, nên dự báo thu ngân sách đạt dự toán.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, mục tiêu điều hành tỷ giá cũng chịu không ít sức ép.

Ở trong nước, do yếu tố mùa vụ, nên cầu NK máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực DN mở rộng quy mô.

Ở bên ngoài, triển vọng tăng lãi suất của FED vào cuối năm sẽ làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn), cũng như làm giảm tính hấp dẫn của VND. Mặt khác, đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỉ giá trong nước./.

Theo chinhphu.vn

Theo chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam