Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới sẽ thực hiện chất vấn tổng thể

14:45 | 14/07/2015 Print
Sáng 14/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp phiên thứ 39 với các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, tổng kết công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016)...

QH

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp thứ 39 của UBTVQH. Ảnh: TTXVN

Kỳ họp 10 sẽ thông qua nhiều luật quan trọng

Theo tờ trình do Văn phòng Quốc hội trình UBTVQH cho ý kiến, kỳ họp thứ 10 sắp tới sẽ thông qua 16 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật. Xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và nhiệm vụ năm 2016; kết quả thực hiện NSNN năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; kế hoạch đầu tư công năm 2016. Xem xét các báo cáo về thi hành án, phòng chống vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng năm 2015.

Quốc hội cũng dành một ngày cho việc giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. Tại kỳ họp 10, dự kiến các ĐB sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, theo quy định tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Chính phủ Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp của năm trước trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, do Luật này mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, vì vậy đề nghị UBTVQH xem xét, cho phép trình Quốc hội báo cáo về nội dung này tại kỳ họp cuối năm 2016.

Đánh giá về chương trình kỳ họp 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là kỳ họp có chương trình rất nặng, riêng về lập pháp đã có 27 dự án luật và Nghị quyết. Trong đó, có những luật rất quan trọng, nhạy cảm và phức tạp như Luật Báo chí, Luật An toàn thông tin, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Tiếp cận thông tin,… Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong chương trình cần dành thời gian phù hợp để thảo luận tại hội trường cho những bộ luật lớn.

Báo chí cần phản ánh khách quan, đa chiều hơn

Góp ý về các phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Mai đề nghị tăng cường tính tranh luận theo diễn biến tại phiên họp thay vì đọc các báo cáo đã được chuẩn bị sẵn. Theo bà Nguyễn Thị Mai, việc tranh luận theo các ý kiến đưa ra sẽ hiệu quả, góp ý được cho người điều hành, trong khi nghe các báo cáo chuẩn bị sẵn “rất mệt mỏi”.

Đối với công tác tuyên truyền, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội ghi nhận sự phối hợp của cơ quan báo chí bởi “nếu không có cầu nối này thì tinh thần của Quốc hội, của ĐB không đến được với người dân”. Tuy nhiên, bà cho rằng cũng phải rút kinh nghiệm để báo chí phản ánh khách quan hơn, tránh việc chỉ tập trung vào một số ĐB, một số đoàn.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, báo chí nên khai thác đưa tin từ nhiều ĐB để có cái nhìn khách quan bởi chúng ta có hơn 500 ĐB, tránh việc trong cả kỳ họp chỉ một số ĐB xuất hiện trên báo chí. Bên cạnh đó, nhiều ĐB nghiên cứu chưa tới cùng nên những phát ngôn chưa đầy đủ, khiến xã hội có những góc nhìn chưa đúng.

“Chúng ta tới Quốc hội là để thảo luận, quyết định chính sách và còn phải tuyên truyền, giải thích về chính sách đó. Đó mới là trách nhiệm trọn vẹn của ĐB Quốc hội. Nếu chỉ đưa ý kiến của một, hai ĐB, thì cái nhìn của người dân về hoạt động Quốc hội, về công tác làm luật chưa trọn vẹn, chính xác”, bà Mai nói.

Chất vấn tổng thể về 9 Nghị quyết chất vấn

Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng Nguyễn Kim Khoa lưu ý công tác chuyển tài liệu đến ĐB Quốc hội cần phải được quy định chặt chẽ hơn, tránh để lọt những tài liệu không tốt, thiếu chính xác đến các ĐB. Các thông tin tham khảo về luật phải là những kết quả nghiên cứu khoa học, có địa chỉ rõ ràng, số liệu cụ thể, đảm bảo cho các ĐB góp ý xây dựng luật đúng hướng.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các ĐB góp ý về cách thức thực hiện chất vấn cho kỳ họp 10. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là lần chất vấn về toàn bộ việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn từ đầu kỳ họp đến nay, vì vậy nên tiến hành chất vấn tổng thể chứ không phải một số thành viên Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát các nội dung trong 9 Nghị quyết về chất vấn qua kỳ họp để chọn ra các nội dung lớn, không trùng lắp để chất vấn lại trong kỳ họp tới. Cụ thể như vấn đề về tái cơ cấu nền kinh tế, về hồ đập thủy điện, bao nhiêu dự án đã bị loại bỏ, bao nhiêu rừng đã được trồng thay thế...?

Chiều 14/7, UBTVQH sẽ kết thúc phiên họp thứ 39 sau nội dung cho ý kiến về thành lập Tòa án nhân dân huyện, xã; thành lập Viện KSND ở một số huyện mới, chế độ, biên chế cho các chức danh pháp lý của Viện KSND…/.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam