Từ 1/7/2016, bãi bỏ 3.299 quy định về điều kiện kinh doanh

23:24 | 29/06/2015 Print
Kết quả rà soát cho thấy, tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 6.475 quy định về điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau. Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, có 3.299 điều kiện sẽ bị huỷ bỏ kể từ ngày 1/7/2016.

họp chính phủ tháng 6

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 6/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là thông tin Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, tổ chức ngày 29/6.

51 tỉnh thành chưa có kế hoạch thực hiện NQ 19

Báo cáo đầu phiên họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết NQ 19 năm 2014 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia yêu cầu đến hết năm 2015, một số chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của nhóm ASEAN 16. Sau khi tích cực triển khai, nhiều chỉ tiêu đã đạt mức cải thiện đáng kể như chỉ tiêu về khởi sự kinh doanh (tăng 72 bậc từ 109 lên 37, cao hơn mức trung bình của ASEAN 6); chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư (tăng từ 3,33 lên 6,2 điểm); chỉ tiêu về nộp thuế về BHXH cải thiện 27 bậc, từ vị trí 149 lên vị trí 122; chỉ tiêu tiếp cận điện năng cải thiện 12 bậc từ 156 lên 144…

Về chỉ tiêu thương mại qua biên giới, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã rà soát, tháo gỡ nhiều vướng mắc liên quan, tuy nhiên thủ tục XNK hàng hoá không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan mà còn thuộc trách nhiệm của các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành (cơ quan Hải quan thực hiện sự chỉ đạo của 8 bộ trong quản lý hàng hoá XNK). Năm 2014, chưa nhiều Bộ chú trọng cải thiện thủ tục quản lý chuyên ngành, vì vậy chỉ số chưa có sự cải thiện rõ rệt.

NQ 19 ngày 12/3/2015 xác định mục tiêu trong 2 năm tới là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục về quản lý chuyên ngành với hàng hoá XNK theo hướng sang hậu kiểm, phấn đấu các chỉ tiêu đạt và vượt mức trung bình của nhóm ASEAN 6 vào cuối năm 2015 và ASEAN 4 vào cuối năm 2016. Yêu cầu của NQ là trước 30/4/2015, các Bộ, ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KHĐT cho biết, tính đến ngày 29/6, Bộ mới nhận được kế hoạch hành động của 12 tỉnh thành, 12 bộ và cơ quan, còn 13 bộ, cơ quan và 51 tỉnh thành chưa có kế hoạch hành động. Một số bộ, cơ quan chưa cụ thể hoá cách thức triển khai, dự kiến kết quả… Hầu hết địa phương chưa bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của NQ. Tất cả kế hoạch hành động của địa phương chưa nêu rõ được lộ trình triển khai. Chỉ có 5 bộ, cơ quan đã hiểu rõ ý nghĩa, chỉ tiêu, đã tích cực chủ động thực hiện giải pháp, gồm: Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Việt Nam, EVN, VCCI….

Còn 6.475 quy định về điều kiện kinh doanh

Báo cáo về tình hình rà soát các điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, kết quả rà soát cho thấy, tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là có 6.475 điều kiện thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó có 3.299 điều kiện hiện được quy định tại 170 Thông tư, Quyết định. Theo Luật Đầu tư năm 2014, các điều kiện này sẽ bị huỷ bỏ, hết hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016.

Giải thích rõ hơn, Bộ trưởng Bộ KHĐT cho biết, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực từ năm 1/7/2015, theo đó chỉ có Nghị định của Chính phủ, Luật mới có quyền quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, các quy định trước đây tại các Thông tư, Quyết định sẽ không còn hiệu lực. Tuy nhiên, trong số các quy định này có những điều kiện vẫn cần thiết cho cuộc sống, do đó Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép thời gian 1 năm để chuyển đổi (từ 1/7/2015 – 1/7/2016) những quy định cần thiết lên cấp Nghị định, bãi bỏ những quy định không cần thiết.

Về quản lý chuyên ngành với hàng hoá XNK, NQ 19 yêu cầu 10 bộ rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý XNK thuộc diện quản lý chuyên ngành, đảm bảo chuyên ngành phù hợp thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Cho đến nay, có 5 bộ đã chủ động triển khai, cải cách nội dung, thủ tục, phương thức quản lý chuyên ngành….

Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng trong quản lý hàng hoá XNK là sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn NĐ 187, năm 2013 về danh mục quản lý chuyên ngành, vì vậy cơ quan Hải quan vẫn phải áp dụng quy định tại NĐ 12 năm 2006, đã hết hiệu lực từ năm 2014. “Các bộ phải vào cuộc, nếu không Hải quan cũng không làm gì được”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Để thúc đẩy thực hiện hiệu quả NQ 19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị phải nhắc nhở các lãnh đạo Bộ, địa phương sớm ban hành chương trình hành động thực hiện NQ 19, chỉ đạo quyết liệt để ban hành các văn bản hướng dẫn, Thông tư thuộc thẩm quyền theo yêu cầu của NQ.

Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ những đổi mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp sửa đổi, chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành trái thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh. Nghiêm túc bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với quy định của pháp luật./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam