Phí, lệ phí phải là những khoản thu trong danh mục Chính phủ ban hành

10:16 | 05/06/2015 Print
Điều này được ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định nhiều lần, tại cuộc họp báo chuyên đề về dự án Luật phí và lệ phí, diễn ra chiều 4/6 tại trụ sở Bộ Tài chính.

phí, lệ phí

Khi chi phí dịch vụ tăng thì cần thiết điều chỉnh mức thu phí để bù đắp. Ảnh: khánh Huyền

Hiểu như vậy, những khoản thu nào không nằm trong danh mục được Chính phủ ban hành, hoặc ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh ban hành thì không được coi là phí.

Các bộ, ngành và địa phương không thể tự đặt ra các khoản phí mới ngoài các khoản đã có trong dach mục.

Có ý kiến cho rằng, người dân và doanh nghiệp đã chịu oan nhiều khoản phí, lệ phí. Ông Thi giải thích đó chỉ là thói quen của người dân, vì họ vẫn quan niệm sử dụng dịch phải trả tiền gọi là phí, lệ phí. Thực chất đó không phải phí, lệ phí mà là giá dịch vụ.

Thực tế, có rất nhiều khoản thu hiện là giá dịch vụ, như: tiền sử dụng dịch vụ chung cư, dịch vụ vui chơi trong các khu du lịch,...

Phí gắn với dịch vụ công

Theo ông Phạm Đình Thi, nguyên tắc xác định mức thu đối với phí là gắn với dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực. Mỗi dịch vụ có tính chất, đặc điểm, đối tượng sử dụng và khả năng xã hội hóa (XHH) khác nhau nên mức thu phí được xác định khác nhau. Có khoản phí mức thu chỉ nhằm bù đắp một phần chi phí, có khoản phí mức thu đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí.

Hiện các khoản phí trong Danh mục kèm dự thảo Luật phí, lệ phí đều do cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp.

Ông Thi đưa ra ví dụ về lệ phí công chứng, hiện đã có văn phòng công chứng tư nhân nhưng chỉ ở những địa bàn trung tâm, thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,... Nhà nước vẫn phải cung cấp dịch vụ công chứng cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, trong tương lai một số khoản phí có khả năng XHH cao, có thể chuyển giao cho doanh nghiệp cung cấp. Do đó, đối với một số khoản phí, việc xác định mức thu phí cần tính đến mức “lợi nhuận phù hợp”, để khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư cung cấp dịch vụ công.

Vì vậy, dự thảo luật quy định nguyên tắc: "Mức thu phí được xác định đảm bảo bù đắp chi phí, có lợi nhuận phù hợp và tính đến chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ."

Lý giải kỹ hơn, ông Thi nói, trong quy luật thị trường cạnh trach, các đơn vị cung cấp dịch vụ phải tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, từ đó sẽ giảm giá dịch vụ và đương nhiên người dân sẽ hưởng lợi.

Ý kiến lo ngại, chuyển một số khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ sẽ khó tránh tăng mức thu, như giáo dục hoặc viện phí... Ông Thi cũng cho biết, các loại phí, lệ phí được chia thành 2 loại: Loại thứ nhất là hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Loại thứ hai là chuyển sang giá dịch vụ nhưng vẫn có sự kiểm soát của Nhà nước, trong đó, học phí, viện phí thuộc nhóm này.

Hoặc các loại phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT, phí chợ, phí bến bãi... do liên quan đến an sinh xã hội nên Nhà nước vẫn quy định giá để đảm bảo xác định thời gian thu hồi vốn hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.

“Viện phí tiến tới tính đúng, tính đủ cho phù hợp với điều kiện mới. Khi đó, chất lượng khám chữa bệnh chắc chắn sẽ tăng, không còn phân biệt khu vực công lập hay tự nguyện, xã hội hóa. Nhiều loại phí, lệ phí mang tính chất giá dịch vụ cần XHH nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước…” - ông Thi nhấn mạnh.

Lệ phí trước bạ tạm thay thuế tài sản

Pháp lệnh hiện hành quy định: "Mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; riêng mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ".

Lệ phí gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước, do cơ quan nhà nước thực hiện nên quy định mức thu lệ phí không nhằm mục đích bù đắp chi phí là phù hợp.

Riêng về các ý kiến tại sao lệ phí trước bạ tính bằng tỷ lệ phần trăm, ông Thi giải thích, lệ phí trước bạ có văn bản quy định riêng. Hiện các nước quy định thu lĩnh vực này nằm trong thuế tài sản.

Quy định như vậy là để đảm bảo khoản thu lớn này về cho ngân sách (trung bình hàng năm trên 10.000 tỷ đồng), trong khi chúng ta chưa ban hành được Luật thuế Tài sản. Quy định vào lệ phí cũng là để đảm bảo tuân thủ hiến pháp: "khoản thu phải do luật quy định".

Về kiến nghị, cả nước phải quy định chung một mức lệ phí trước bạ, ông Thi cho biết, khi ban hành quy định về lệ phí trước bạ hiện hành, cũng còn yếu tố nữa là nhằm hạn chế phương tiện ở thành phố lớn, tránh ùn tắc./.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam