Nghị trường bàn luận sôi nổi quanh ý kiến sửa điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội

16:02 | 13/05/2015 Print
Bàn bạc sôi nổi về việc sửa hay không sửa Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong chiều 12/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kết luận chưa nên quyết định khi Luật còn chưa có hiệu lực, mà nên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động.

QH

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp UBTVQH thứ 38. Ảnh: TTXVN

Kiến nghị áp dụng hình thức hưởng BHXH như luật cũ

Theo báo cáo của Chính phủ, chính sách BHXH một lần trong Luật BHXH (2006) dẫn đến hàng năm có khoảng 500.000 - 600.000 người lao động hưởng BHXH một lần. Việc giải quyết BHXH một lần tuy tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trước mắt, nhưng khi về già không có lương hưu sẽ khó khăn cho bản thân người lao động, gia đình và xã hội.

Đến nay, trên cơ sở các chính sách mới về trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc... Luật BHXH năm 2014 đã điều chỉnh chính sách BHXH một lần, nhằm giảm số lượng người lao động sau 1 năm nghỉ việc nhận BHXH một lần để đảm bảo mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết rủi ro cho người lao động khi về già.

Tuy nhiên, khi Luật BHXH năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thì một bộ phận người lao động chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006.

Xuất phát từ nguyện vọng này, Chính phủ báo cáo UBTVQH kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.

Theo đánh giá của Ủy ban các vấn đề xã hội, việc điều chỉnh này về cơ bản sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng đối tượng, làm tăng thêm số người không có lương hưu khi về già, đồng thời, về lâu dài, nhà nước phải tăng chi từ ngân sách cho chính sách đối với người cao tuổi không có lương hưu (quy định người hưởng chính sách từ 80 tuổi trở lên).

Luật không sai, vì sao sửa?

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đều thống nhất cao rằng quan điểm, mục tiêu khi xây dựng Điều 60, Luật BHXH là đúng đắn, phù hợp.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, điều 60 của Luật BHXH là chủ trương đúng, thể hiện tầm nhìn xa của Chính phủ. Khi xây dựng đã tiến hành chặt chẽ, thận trọng, căn cứ thực tiễn. Nhà nước phải lo cho người dân khi họ gặp khó khăn, khi già yếu, ốm đau. Hơn nữa, đây là BHXH bắt buộc, không phải tự nguyện. Điều 176 của Luật BHXH năm 2006 đã phát sinh rất nhiều vấn đề cho đến nay còn phải tiếp tục giải quyết.

“Một khi đã có thay đổi, có cải cách là chắc chắn có phản ứng. Chúng ta cần có thái độ kiên định, dứt khoát”, ông Phùng Quốc Hiển nói. Ông đề nghị nên trình vấn đề này ra Quốc hội để Quốc hội cân nhắc, bàn bạc một cách thận trọng, hợp lý, nếu hợp lý thì sửa, dù “nếu sửa thì rất đáng tiếc”.

Theo Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính, việc áp dụng quy định mới này nên có lộ trình, chưa nên áp dụng ngay cùng lúc. Ông đề nghị nên sửa theo hướng linh hoạt, cho phép tạm dừng điểm A, khoản 1, điều 60 và điểm A của điều 7, và đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện theo điều 55 Luật BHXH năm 2006.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho rằng nếu cần thiết thì vẫn phải sửa, không né tránh nhưng phải cân nhắc kỹ, không nên vội vàng khi Luật còn chưa có hiệu lực. Các ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cũng thống nhất quan điểm này.

“Nếu luật thiếu sót, chưa chuẩn, thì phải sửa ngay. Nhưng nếu luật tốt, chủ trương tốt, đảm bảo lợi ích cho người lao động… thì tại sao lại sửa? Sai ở đâu?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần có báo cáo cụ thể để trình ra Quốc hội xem xét vấn đề này và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích luật để đông đảo người dân hiểu về lợi ích lâu dài của luật./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam