Không thể trưng cầu ý dân về toàn vẹn lãnh thổ

18:49 | 12/05/2015 Print
Có những vấn đề không thể đưa ra trưng cầu ý dân như vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, chia tách, chế độ chính trị… Đây là một trong các ý kiến được đưa ra trong buổi thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu dân ý chiều 12/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Ksor

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước.

Theo tờ trình của Chính phủ, những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân và quy định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.

Hiện tại, có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nhiều ý kiến đề nghị chỉ quy định về mặt nguyên tắc, khái quát những vấn đề nào được đề nghị để Quốc hội quyết định đưa ra trưng cầu ý dân. Nếu quy định quá cụ thể có thể sẽ không bao quát hết được. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cần quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, ngoài việc quy định cụ thể những vấn đề nào đưa ra trưng cầu ý dân, cũng phải quy định cả về những vấn đề không đưa ra trưng cầu ý dân.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề nghị phải xem xét đưa ra các nội dung cụ thể về vấn đề được trưng cầu ý dân hay không được trưng cầu ý dân.

“Ví dụ như vấn đề chia tách lãnh thổ quốc gia, thành lập nhà nước khác…, làm sao có thể đưa ra biểu quyết? Hay nếu có ai đó kích động, khơi gợi đề nghị phải thay đổi điều 4 Hiến pháp, liệu có làm không?”, ông Ksor Phước nêu vấn đề.

Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, dứt khoát một số điều không thể đưa ra trưng cầu ý dân. Luật phải làm rõ, những gì được trưng cầu ý dân, những gì không. Đồng thời làm rõ những nội dung cấm trong việc trưng cầu dân ý.

Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) Phùng Quốc Hiển cho rằng, có những việc dù hệ trọng nhưng không thể đưa ra trưng cầu ý dân. Như những vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ, hoặc những vấn đề khác về chế độ chính trị, sự lãnh đạo mà chúng ta phải khẳng định. “Lập pháp phải rõ ràng, không nên mập mờ”.

Đồng thời, Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh phải phân biệt sự khác nhau giữa xin ý kiến nhân dân và trưng cầu ý dân. Lấy ý kiến nhân dân là những nội dung cần ý kiến nhân dân để có thêm căn cứ, trước khi đưa ra quyết định cho đúng đắn. Tuy nhiên, việc trưng cầu ý dân phải mức độ cao hơn, tầm quan trọng hơn, như một cuộc bầu cử. Khi đó, Quốc hội phải quyết định theo ý kiến đa số của nhân dân.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, theo tham khảo một số nước thì có 65 nước không quy định vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là vấn đề nào. Điều này tùy thuộc vào kiến nghị trưng cầu ý dân của các chủ thể đưa ra kiến nghị, miễn là đáp ứng được những quy định của pháp luật; một số nước chỉ quy định trưng cầu ý dân bắt buộc đối với Hiến pháp; một số nước khác thì quy định cụ thể những vấn đề phải trưng cầu ý dân./.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam