Cuộc tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa mùa xuân năm 1975

08:58 | 29/04/2015 Print
Năm 1975, đồng thời với việc giải phóng các tỉnh trong đất liền, trong kế hoạch tác chiến chiến lược và trong chỉ đạo thực hiện, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đặt vấn đề giải phóng các đảo trên Biển Đông từ rất sớm.

giai phong truong sa

Đảo Trường Sa là đảo cuối cùng trong quần đảo Trường Sa được giải phóng. Ảnh: TL

Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân "nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng" (Mật điện số 990B/TK lúc 17 giờ 30 phút ngày 4 tháng 4 năm 1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đồng chí Võ Chí Công, Chính ủy Quân khu và đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5).

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với du kích, nhân dân tiến công và nổi dậy ngày 30/4 giải phóng Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré. Trước đó, từ ngày 14/4, nhân dân đảo Cù Lao Xanh nổi dậy giải phóng đảo. Ngày 10/4, bộ đội đặc công tỉnh Khánh Hòa và một tiểu đoàn của Trung đoàn 19, sư đoàn 968 giải phóng đảo Hòn Tre. Và đến ngày 27/4, ta giải phóng Cù Lao Thu (Khánh Hòa) và toàn bộ các đảo ven biển Trung Bộ.

Trước tình hình cuộc tiến công của ta phát triển thuận lợi, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng miền Trung, ngày 9/4 năm 1975, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho Quân khu 5 và Hải quân dùng lực lượng thích hợp chớp thời cơ đánh chiếm, giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nếu để chậm, quân đội các nước khác chiếm, tình hình trở nên rất phức tạp không chỉ trên mặt trận quân sự, mà cả mặt trận đấu tranh chính trị và ngoại giao. Vì vậy, tiến công địch trên Biển Đông cũng phải thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng.

Bộ Tổng tư lệnh dự kiến cuộc chiến đấu trên biển có thể sẽ gay go, ác liệt, vì ở đó có hạm đội 7 Mỹ và tàu chiến các nước đang hoạt động. Theo đó Bộ Tổng tư lện yêu cầu cán bộ, chiến sĩ ta phải hết sức bình tĩnh, xử trí tốt các tình huống, phải dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, đánh đúng đối tượng...

Sự chỉ đạo đánh chiếm lại đảo ở Biển Đông của Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh kịp thời, cụ thể, phù hợp với chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, đã tạo thuận lợi cho bộ đội đánh chiếm đảo không gặp trở ngại gì lớn.

Hải quân của ta chuẩn bị đánh chiếm các đảo rất kỹ. Các tàu vận tải quân sự 673, 674, 675 thuộc trung đoàn đặc công hải quân 126 do trung đoàn trưởng Mai Năng chỉ huy được ngụy trang giả tàu đánh cá, bí mật xuất phát và tiếp cận các đảo (đồng chí Mai Năng sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng Đặc công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).

Tàu 673 do Nguyễn Ngọc Quế đội trưởng đội 1 chỉ huy dùng xuồng và phao cao su bí mật đổ bộ lên đảo. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14/4, ta nổ súng tiến công địch. Sau 45 phút chiến đấu, ta diệt và bắt 39 tên thuộc tiểu đoàn bảo an 371 quân đội Sài Gòn, giải phóng đảo Song Tử Tây. Chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên cột cờ trên đảo, xác định chủ quyền của Tổ quốc vào lúc 5 giờ ngày 14/4/1975. Địch điều các tàu HQ16, HQ402 ra phản kích, nhưng thế trận tan rã, chúng quay về đảo Nam Yết, trung tâm quần đảo Trường Sa để phòng thủ.

Lúc này trên vùng biển Trường Sa có nhiều tàu và máy bay lạ xuất hiện. Quân ta tiếp tục củng cố lực lượng, rút kinh nghiệm chiến đấu.

Đúng 4 giờ sáng ngày 21/4, lực lượng tấn công đợt 2 bắt đầu rời cảng Đà Nẵng hành quân lên đường, chiều ngày 24/4 bộ đội đến vị trí tập kết. Đêm 24/4, tàu 673 định đổ quân chiếm đảo Nam Yết, nhưng gặp tàu khu trục địch, yếu tố bí mật không còn nữa, tàu ta quay về đảo Song Tử Tây chờ thời cơ.

Tàu 641 tiến về đảo Sơn Ca, lúc 21 giờ 30 phút thì cách đảo Sơn Ca 2 hải lý, lần thứ nhất đổ bộ không thành công do nước chảy xiết. Chờ đến lúc 23 giờ 30 phút nước đứng, lần đổ bộ thứ hai bắt đầu, sau 30 phút bộ đội đã đặt chân lên đảo. Địch trên đảo có 4 lô cốt, hai dãy nhà tôn, các chòi canh, có hàng rào thép gai bao quanh.

Sáng ngày 25/4, trận đánh bắt đầu. Địch trên đảo ngoan cố chiến đấu cầm cự, nhưng sau 2 giờ thì bị bộ đội ta tiêu diệt, quân ta hoàn toàn làm chủ đảo Sơn Ca. Các tàu tuần dương, khu trục của địch lượn quanh các đảo nhưng không làm gì được bèn quay lại đảo Nam Yết.

Ngày 27/4, ta giải phóng đảo Nam Yết, Sinh Tồn. Ngày 28/4 ta giải phóng đảo Trường Sa và An Bang. Toàn bộ quân địch trên các đảo bị bắt làm tù binh. Bộ đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quân ủy Trung ương khen ngợi "Hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược".

Kể từ ngày tiếng súng tiến công vào Buôn Ma Thuột mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, quân và dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long liên tục tiến công và nổi dậy, phối hợp và chia lửa với Tây Nguyên, miền Trung Nam Bộ đã trói chặt quân đoàn 4 ngụy tại chỗ, diệt và làm tan rã chúng, cùng với toàn bộ lực lượng bảo an, dân vệ, đập tan chính quyền ấp, xã, huyện, tỉnh của địch, thực hiện phương châm: "Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã".

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng vô điều kiện cũng là lúc quân, dân ta ở miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, đảo Phú Quốc.

Ngày 1/5/1975, quân và dân ta tiếp tục tiến công và nổi dậy, giải phóng các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Kiến Tường, Sa Đéc và Côn Đảo, Châu Đốc.

Như vậy, đến ngày 1/5/1975, toàn bộ các tỉnh, thành phố trên đất liền, các đảo và quần đảo ở Biển Đông trên toàn miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng./.

Đặng Việt Thủy

Đặng Việt Thủy

© Thời báo Tài chính Việt Nam