Khẩn trương bồi thường cho các trường hợp oan sai

08:55 | 11/04/2015 Print
Khẩn trương giải quyết bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Phan Văn Lá (Long An), ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) và các trường hợp bị oan khác đã có đơn yêu cầu bồi thường trước 1/1/2015.

TTM

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại phiên họp của UBTVQH.

Đây là mội nội dung trong dự thảo Nghị quyết về phòng chống oan sai được đưa ra lấy ý kiến trong buối làm việc sáng ngày 10/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Án oan sai: Không nhiều nhưng gây ảnh hưởng xã hội lớn

Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe báo cáo kết quả giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo báo cáo, về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nhờ áp dụng các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót trong điều tra, xét xử, tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây. Tuy số người bị oan không nhiều, các trường hợp sai phạm giảm dần theo từng năm, nhưng so với yêu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn bất cập hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, hậu quả của trường hợp oan, sai gây ra là “hệ trọng”, gây bức xúc trong dư luận.

Báo cáo cũng chỉ ra loại án thường dẫn đến oan chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của một số cơ quan tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Qua giám sát cho thấy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn có những sai phạm chủ yếu dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm, nhiều trường hợp chưa được giải quyết và số vụ tạm đình chỉ điều tra còn cao, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm. Nhiều trường hợp bắt, tạm giữ, tạm giam còn chưa chính xác, sau đó phải chuyển xử lý hành chính…

Làm rõ trách nhiệm để xảy ra oan, sai

Tán thành với báo cáo đánh giá, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết đây là lần giám sát đầu tiên, sâu rộng về vấn đề oan sai trong hoạt động tố tụng, vấn đề dư luận nhân dân rất quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu báo cáo đánh giá tuy số người bị oan không nhiều nhưng cần đánh giá thêm tác động xã hội, bởi nhiều vụ án có tác động xã hội rất lớn. Cùng ý kiến này, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét “oan, sai chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng có những vụ làm rúng động xã hội”.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, để khắc phục tình trạng oan, sai cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo. “Với những địa phương có tỷ lệ oan sai cao thì các đồng chí lãnh đạo có tại vị không, với những trường hợp đó thì phải cách chức. Nếu chúng ta làm cương quyết thì sẽ giảm được oan sai”- ông Phước nhấn mạnh.

Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị phải làm rõ các vụ oan, sai đã phát hiện trách nhiệm thuộc giai đoạn nào, cơ quan nào và cá nhân nào.

Không để xảy ra trường hợp bị đánh chết tại nơi giam giữ

Cùng với báo cáo giám sát, UBTVQH đã cho ý kiến cụ thể vào dự thảo Nghị quyết về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, trước khi trình Quốc hội.

Dự thảo nghị quyết yêu cầu, cơ quan điều tra các cấp chủ động, tích cực điều tra, khám phá các loại tội phạm, giảm ít nhất 10%/năm số vụ tạm đình chỉ điều tra để chống bỏ lọt tội phạm; áp dụng các biện pháp ngăn chặn chính xác để giảm ít nhất 1%/năm các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính; giảm ít nhất 10%/năm các trường hợp chết do tự sát và không để xảy ra trường hợp bị đánh chết tại các nơi giam giữ.

“Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố và xét xử trái pháp luật; không để xảy các trường hợp làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế hoặc bỏ lọt người phạm tội do hành chính hóa các quan hệ hình sự; khẩn trương giải quyết bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Phan Văn Lá (Long An), ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) và các trường hợp bị oan khác đã có đơn yêu cầu bồi thường trước 01/01/2015”, dự thảo nghị quyết nêu rõ.

Ông Lương Ngọc Phi nguyên là giám đốc Công ty khai thác chế biến nông hải sản XNK Hòa Bình. Năm 1998, ông Phi bị khởi tố và bị tuyên án 17 tù về hai tội trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, toàn bộ tài sản bị phát mại. Năm 2001, VKSND Tỉnh Thái Bình xác định vụ án oan sai và trả tự do cho ông Phi. Ông Phi đã khởi kiện để đòi bồi thường cho số tài sản bị cơ quan tố tụng bán trong thời gian ông ngồi tù. Năm 2013, TAND TP.Thái Bình xét xử và tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường ông Phi hơn 21 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay, ông Phi vẫn chưa nhận được số tiền bồi thường này.

H.Y

H.Y

© Thời báo Tài chính Việt Nam