Đề xuất quy định ‘linh hoạt’ về số lượng Thứ trưởng

15:25 | 09/04/2015 Print
Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ quy định mỗi Bộ có không quá 5 Thứ trưởng. Tuy nhiên một số ý kiến thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 9/4 cho rằng, không nên quy định cứng mà nên linh hoạt để thuận tiện cho việc điều hành, đặc biệt là với những bộ lớn.

QH

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp của UBTVQH.

Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm báo cáo trước nhân dân

Tại dự thảo lần này, UBTVQH Quốc hội đề nghị bổ sung Điều 27 quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn, Điều 28 quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Đối với ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng Chính phủ, UBTVQH tiếp thu và đề nghị quy định trong dự thảo luật về trách nhiệm báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước và nhân dân, tuy nhiên số lần báo cáo, nội dung cụ thể của mỗi lần báo cáo sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, rà soát lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong các lĩnh vực cụ thể để bảo đảm đầy đủ bao quát nhưng tránh chồng chéo, trùng lặp.

Đóng góp ý kiến về nội dung quyền hạn của Chính phủ với công tác quốc phòng an ninh, Chủ nhiệm Ủy ban an ninh quốc phòng Nguyễn Kim Khoa cho rằng, Chính phủ thống nhất quản lý về nhiệm vụ quốc phòng an ninh, còn Nhà nước mới có nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Quân đội nhân dân và công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, vì vậy không nên quy định là quyết định chính sách về quốc phòng, an ninh mà chỉ nên là thực hiện chính sách về quốc phòng, an ninh.

Một bộ có không quá 5 Thứ trưởng

Một nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong dự thảo là số lượng cấp phó ở các cơ quan chính phủ. Theo đề xuất trong dự thảo, số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5; số lượng cấp phó của Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tối đa là 3; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 2.

Tán thành việc ghi rõ số lượng cấp phó trong luật, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng cần cân nhắc có khung quy định co giãn để linh hoạt hơn. Đối với một số bộ quá lớn, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu quy định cứng là 5 Thứ trưởng sẽ khó cho việc điều hành.

Đây cũng là quan điểm được Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước ủng hộ. Ông Ksor Phước đề nghị cân nhắc thêm, với những trường hợp cấp phó vượt quá 5 người thì Quốc hội có thể cân nhắc, linh động, không nên chỉ dừng lại ở số lượng 5 cấp phó. Ngoài ra, có những Tổng cục lớn tương đương với một bộ cũng nên cân nhắc số lượng cấp phó cho phù hợp.

Bỏ chức danh “hàm cấp phó”

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh cần thiết phải luật hóa số lượng cấp phó và đề xuất quy định theo hướng, ở cấp bộ và cơ quan ngang bộ không quá 5 cấp phó, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng không quá 6 cấp phó theo luật. Đối với cấp Tổng cục nên quy định không quá 4, cấp Cục không quá 3 và cấp Vụ không quá 2 cấp phó. Đồng thời nên giao Chính phủ quy định cụ thể thêm về số lượng, bởi có những bộ chỉ cần 3, 4 cấp phó là đủ, tránh tình trạng khi luật ban hành lại bổ sung cho đủ 5 cấp phó.

Ngoài ra, để tăng tính minh bạch, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị bỏ các chức danh hàm cấp phó như hàm phó phòng, hàm vụ phó, hàm phó giám đốc sở…, chỉ 4 văn phòng Trung ương nên có chức danh này.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sẽ được tiếp tục đưa ra lấy ý kiến trong phiên họp đại biểu chuyên trách vào ngày 16/4 tới đây, trước khi đưa ra Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 sắp tới.

Không quy định về chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước của cấp bộ

Về nhiệm vụ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp (DN), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến khác đề nghị quy định rõ về thẩm quyền quản lý và nhiệm vụ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn góp của Nhà nước tại DN.

Tiếp thu đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị không quy định về việc bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại DN trong Luật tổ chức Chính phủ.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam