Nhượng quyền khai thác cảng hàng không: Phải xác định bán gì, bán cho ai?

11:51 | 09/04/2015 Print
Hiện tại, lĩnh vực hàng không rất cần thu hút các thành phần tư nhân tham gia đầu tư. Tuy nhiên, một số cơ chế để thực hiện cần tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm thu hút được nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Đây là ý kiến của đa số đại biểu tham dự Hội thảo “Xã hội hóa (XHH) hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không (CHK), sân bay ở Việt Nam” do Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) tổ chức ngày 8/4/2015, tại Hà Nội.

Cần lượng vốn khổng lồ đầu tư vào kết cấu hạ tầng

Tham luận tại hội thảo, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục HKVN cho biết, giai đoạn 2015 -2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng. Dự kiến khả năng sử dụng nguồn vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ là 30.724 tỷ đồng (13,3%), nguồn vốn từ doanh nghiệp 23.968 tỷ đồng (10,1%), nguồn vốn ODA 60.541 tỷ đồng (26,4%), vay thương mại 4.615 tỷ đồng (1,7%). Phần còn lại 110.367 tỷ đồng (48,4%) dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và vốn theo phương thức hợp tác công - tư (PPP).

Ông Thanh cho biết thêm, giai đoạn này ngành hàng không cần lượng vốn đầu tư rất lớn vào kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển; tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế, quỹ đầu tư của các doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu.

Vì vậy, để khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội thì việc XHH đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước là một nhu cầu cấp thiết. Có thể nói, đến thời điểm này, hành lang pháp lý cho việc XHH kết cấu hạ tầng CHK, sân bay cơ bản đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số cơ chế để thực hiện cần tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm thu hút được nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Phải có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư

Phát biểu tại Hội thảo, TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, vấn đề nhượng quyền khai thác CHK, sân bay, nhà ga là việc dứt khoát phải làm và nên làm. Tuy nhiên, làm như thế nào, nhượng quyền cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp phá sản thì sao? Vì vậy, cần phải có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.

Đồng thời, "việc nhượng quyền phải đảm bảo lợi ích hài hóa giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Cũng chưa hẳn doanh nghiệp hàng không đã làm tốt hơn doanh nghiệp ngoài ngành. Đề xuất bán nhượng quyền việc khai thác sân bay, cảng biển phải công khai minh bạch, chúng ta phải xác định bán gì, nhượng quyền gì, bán cho ai và bán với giá nào?", TS Phước nói.

Còn TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương lại cho rằng, câu chuyện cho tư nhân tham gia kinh doanh sân bay, cảng biển là chủ đề không mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam là mới. Sở hữu tư nhân thường hiệu quả hơn Nhà nước, hiệu quả đó xuất phát từ việc tư nhân sở hữu sẽ không xung đột lợi ích.

“Tuy nhiên, vấn đề chuyển nhượng cảng hàng không sân bay phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch; nguyên tắc giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng; nguyên tắc tạo áp lực cạnh tranh; nguyên tắc đảm bảo cảng hàng không sân bay là hình ảnh quốc gia...”, TS Võ Trí Thành cho biết thêm.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng giám đốc VietJet Air cho rằng, khi ra đời, VietJet với sứ mệnh mang đến ngày càng nhiều cơ hội bay cho người dân trong nước và quốc tế. VietJet là hãng hàng không “sinh sau đẻ muộn”, hoàn toàn không có mặt bằng tại sân bay, không có các công ty phục vụ mặt đất thuộc hãng. Tuy nhiên, Hãng luôn mong muốn được chia sẻ gánh nặng đầu tư của Nhà nước và sự vất vả của toàn ngành bằng việc xin quyền khai thác một số nhà ga.

Có điều kiện về mặt bằng tại nhà ga, bãi xe trong sân đỗ, hành lang kỹ thuật sẽ đảm bảo dịch vụ của VietJet được chủ động đồng bộ, do đó, chắc chắn nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đảm bảo cho sự phát triển ổn định vững chắc.

Trong phương án xin nhượng quyền khai thác, VietJet mong muốn và sẵn sàng hợp tác, liên minh liên kết với các đơn vị hoạt động trong ngành hàng không, nhất là các doanh nghiệp CHK, các hãng hàng không để cùng xây dựng và phát triển ngành HKVN hiện đại, hội nhập, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế.

"VietJet không quan ngại vấn đề xung đột lợi ích. VietJet sẵn sàng hợp tác và sử dụng dịch vụ chung giữa các hãng hàng không, giữa các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng không. Bởi việc hình thành các liên minh, liên kết, liên danh đang là xu hướng mạnh mẽ trên thị trường hàng không quốc tế", vị đại diện VietJet nhấn mạnh.

“VietJet cho rằng cần tổ chức XHH hoạt động quản lý, khai thác CHK, sân bay theo mô hình hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, trên nguyên tắc minh bạch và bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước. Tuy nhiên, VietJet kiến nghị nên ưu tiên nhượng quyền khai thác cơ sở hạ tầng hàng không cho các hãng và các doanh nghiệp trong ngành”, ông Nguyễn Đức Tâm bày tỏ./.

Bài và ảnh: Trí Dũng

Bài và ảnh: Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam