Chương trình 135: Sử dụng vốn đúng và trúng là cấp thiết

13:13 | 14/03/2015 Print
Chiều ngày 13/3/2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã có phiên trả lời chất vấn UBTVQH. Những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, nhất là khó khăn vướng mắc về nguồn vốn hỗ trợ được Bộ trưởng trả lời thẳng thắn.

Trả lời chất vấn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đăng đàn trả lời phiên chất vấn UBTVQH. Ảnh: VOV

Theo đó, phiên chất vấn tập trung vào việc thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, những khó khăn, thách thức và triển vọng, kết quả đến hết năm 2015.

Thực trạng và giải pháp sắp xếp bố trí dân cư vùng thường xảy ra thiên tai, vấn đề di cư tự do, đào tạo nghề, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào thiểu số; giải pháp giải quyết vấn đề ma túy và một số hủ tục, mê tín dị đoan trong vùng dân tộc thiểu số cũng là nội dung được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử làm rõ.

Kinh phí còn eo hẹp và chậm

Tại phiên chất vấn, các ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông), Trương Minh Chiến (Bạc Liêu)… đã nêu các câu hỏi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử về những bất cập trong việc triển khai thực hiện Chương trình 135. Trong đó, bất cập lớn là nguồn vốn bố trí cho chương trình còn eo hẹp và chậm. Các đại biểu đều tỏ ra lo lắng, với nguồn vốn đầu tư thấp mà thời gian chương trình lại sắp kết thúc, liệu chương trình có đạt mục đích như mong muốn.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử lý giải, khó khăn do cơ chế, trong đó có tình hình khó khăn chung của đất nước. Nhiều hoạt động chi của đất nước phải cắt giảm để tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng, trong đó có chương trình 135. Cụ thể, cùng với việc cắt nhiều chương trình do nguồn lực có hạn, Chính phủ đã thay đổi chương trình 135 do thiếu cơ sở đảm bảo, thiếu sự lồng ghép, phối hợp giữa các hoạt động.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cũng nhấn mạnh tới một nguyên nhất rất quan trọng đó là việc cân đối, bố trí vốn cho Chương trình chưa đảm bảo theo các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt, vốn cấp không đầy đủ, thiếu kịp thời, phải điều chỉnh bổ sung nguồn lực, phải kéo dài thời gian thực hiện hoặc thực hiện dang dở, gây khó khăn cho địa phương…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử cho rằng, quá trình xây dựng chính sách không xác định được nguồn vốn, các chính sách thực hiện theo nhiệm kỳ dẫn đến chính sách không đạt được mục tiêu đề ra, giảm hiệu quả của đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Phử công nhận, con số đầu tư cho thôn bản còn thấp, chỉ được 1 tỷ đồng/xã/năm. “Trước đó, Quốc hội đã duyệt con số rất khiêm tốn để đầu tư cho hơn 2.000 thôn bản. Theo đó, suất đầu tư theo Quyết định 551 của Chính phủ dù đã điều chỉnh tăng lên mức 1,5 tỷ đồng/xã/năm nhưng do khó khăn, eo hẹp vốn, thực tế vẫn chỉ bố trí được 1 tỷ đồng/xã/năm”, Bộ trưởng Giàng Seo Phử nhấn mạnh.

Cùng làm rõ thêm vấn đề này trước UBTVQH, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết: Giai đoạn 2011-2015 tổng số nguồn vốn hỗ trợ Chương trình 135 là 15.581 tỷ đồng, trong đó vốn địa phương 368 tỷ đồng, còn lại là vốn trung ương. Nếu cộng vốn tài trợ nước ngoài thì tổng số vốn hỗ trợ cho Chương trình 135 trong giai đoạn 2011 – 2015 là 16.761 tỷ đồng, chưa kể vốn trái phiếu chính phủ.

Từ năm 2013, bên cạnh Chương trình 135, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhận thêm hỗ trợ khác như Chương trình 30a, huyện nghèo. Bình quân mỗi xã đạt 4 tỷ đồng/năm. Năm 2013, Thủ tướng đã phê duyệt định mức tăng gấp 1,5 lần. Tuy nhiên, năm 2014 – 2015 là 2 năm khi xây dựng dự toán, tình hình thu ngân sách rất khó khăn, vốn cho đầu tư giảm hoặc tăng rất thấp nên Thủ tướng có chỉ thị tạm thời không ban hành thêm chính sách mới, dẫn đến tăng chi định mức. Do đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đề nghị tạm thời vẫn thực hiện định mức như từ năm 2013 trở về trước.

Cần lồng ghép các chương trình và tập trung nguồn vốn

Trả lời các đại biểu Quốc hội về việc, thời gian tới hỗ trợ nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa như thế nào cho thực sự hiệu quả, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho rằng, cần thiết lồng ghép các chương trình trong quá trình thực hiện và tập trung nguồn vốn.

Trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, tránh tình trạng sử dụng vốn dàn trải, không đúng mục đích và thiếu hiệu quả… cần thu gọn các đầu mối chính sách dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cũng nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của các địa phương- nơi trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai các chương trình, dự án cho đồng bào các dân tộc thiểu số tổ chức triển khai làm dứt điểm, kết thúc cuốn chiếu từng dự án cụ thể…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề nghị cần xây dựng các chương trình trung hạn 2016-2020 và chương trình dài hạn giao cho Ủy ban dân tộc phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cụ thể dành cho đồng bào dân tộc thiểu số./.

Phúc Nguyên

Phúc Nguyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam