Sân bay Long Thành: Khu tái định cư được xây dựng như khu đô thị 5 sao

08:41 | 27/02/2015 Print
Sáng 26/2, Bộ GTVT báo cáo giải trình bổ sung về Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, đây mới là Báo cáo tiền khả thi để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư nên chưa chi tiết như bước lập Dự án nghiên cứu khả thi.

Dinh La Thang

Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày Tờ trình tại phiên họp sáng 26/2. Ảnh: TTXVN

Theo đó, sân bay Long Thành có cơ cấu nguồn vốn đa dạng, từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và các nguồn huy động vốn ngoài Nhà nước.

Dự kiến có nhiều hạng mục công trình khác nhau được đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Các hạng mục đầu tư từ xã hội hóa, PPP là các dự án có khả năng thu lợi cao, đang được rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm.

Kết quả tính toán nội hoàn tài chính của hạng mục nhà ga hành khách là 13,9% trong thời hạn 25 năm. Khi triển khai các hạng mục này, chủ đầu tư sẽ đàm phán với các nhà đầu tư từng tiểu dự án cụ thể theo hướng không có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết Chính phủ đã rà soát lại đơn giá và mức đầu tư sân bay Long Thành, thấy rằng tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án là 5,236 tỷ USD, giảm khoảng hơn 2,601 tỷ USD so với dự toán trình Quốc hội. Cơ cấu vốn: ODA hơn 1,389 tỷ USD (chiếm 26,53%), vốn NSNN 578,3 triệu USD (chiếm 11,05%), vốn doanh nghiệp, cổ phần, PPP... hơn 3,268 tỷ USD (62,42%).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, cần phải tính toán, đảm bảo tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án (3 giai đoạn) chứ không chỉ có giai đoạn 1, tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện, đồng thời chỉ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước vào những hạng mục đầu tư không thể huy động vốn từ DN.

Một số ý kiến trong UBTVQH cũng đồng tình với ý kiến của Ủy ban Kinh tế, trong đó có tính tới việc đảm bảo nợ công và tính toán việc thu hồi vốn của dự án; đặt ra những câu hỏi đối với việc thu hồi đất làm sân bay và đảm bảo việc làm cho nông dân.

Giải thích thêm với các thành viên UBTVQH, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết trong tổng vốn đầu tư cho các giai đoạn của dự án thì ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 30% - là vốn tối đa Bộ GTVT tính toán. Những con số cụ thể sẽ được Bộ làm rõ hơn trong báo cáo khả thi. Nếu cấp thẩm quyền cho phép Bộ GTVT cổ phần hóa các cảng hàng không quốc tế hiện nay đang làm ăn hiệu quả và trả nợ tốt, thì ngân sách sẽ không phải bỏ ra đồng nào để làm sân bay Long Thành.

“Trong thực hiện giải tỏa, đền bù (làm 1 lần-PV), Bộ GTVT cùng với địa phương thống kê hết sức cẩn thận là bao nhiêu gia đình, việc chuyển đổi ngành nghề thế nào và khu tái định cư được xây dựng như khu đô thị 5 sao”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Chốt lại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ GTVT tiếp tục rà soát chính xác tổng mức đầu tư của dự án và trả lời câu hỏi giảm tổng đầu tư thì giảm nội dung nào, nhất là cho từng giai đoạn và tránh phát sinh đầu tư sau này khi thực hiện. Cơ chế tài chính như thế nào, ngân sách tham gia tối đa bao nhiêu và giảm được bao nhiêu nếu huy động được các nguồn vốn hay nguồn lực khác; dự án tác động tới nợ công như thế nào. Đồng thời phải tính toán lại hiệu quả kinh tế của dự án khi xác định lại diện tích đất và giảm tổng mức đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ GTVT báo cáo Quốc hội để làm rõ thêm sự cần thiết và vai trò trung chuyển hàng khách của sân bay Long Thành; đất sử dụng cho dự án được thu hồi 1 lần nhưng cũng phải có quỹ đất quốc phòng để bảo vệ sân bay và thực hiện mục tiêu chiến lược là bảo vệ đất nước, đồng thời nghiên cứu kế hoạch thu hồi đất cho kế hoạch sử dụng sân bay trong tương lai./.

Theo chinhphu.vn

Theo chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam