Làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật NSNN

08:40 | 27/02/2015 Print
Chiều 26/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) (sửa đổi).

Nhiều vấn đề như quy trình ngân sách, các quỹ tài chính ngoài ngân sách, thưởng vượt thu, bội chi ngân sách... được Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng và một số Ủy viên UBTVQH cho ý kiến.

Thuế và lệ phí là khoản thu bắt buộc vào ngân sách

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, dự thảo luật quy định tất cả các khoản thu chi phải được dự toán. Theo vị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, dự thảo luật lần này đã quy định, không một khoản chi nào đưa ra khỏi Kho bạc mà không có dự toán. Ông Hiển cho biết, đây là điểm mới trong dự thảo luật.

thường vụ QH
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, kỳ họp tới phải thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, Luật NSNN (sửa đổi) phải “đi theo”.

Về thu NSNN, trình bày báo cáo của Ủy ban, thẩm tra dự án luật, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc việc đưa các khoản phí, lệ phí vào NSNN vì sẽ gây khó khăn trong công tác điều hành ngân sách, do số thu phí, lệ phí rất khó dự toán được chính xác. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ loại phí nào thuộc ngân sách, loại phí nào không thuộc NSNN.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu như sau: Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước. Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả (trao đổi ngang giá) khi được tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ.

Vì vậy, cần thiết quy định thuế và lệ phí là khoản thu bắt buộc thuộc NSNN. Còn đối với phí, chỉ thu vào NSNN đối với phần chênh lệch giữa thu và chi của một số loại phí; riêng học phí, viện phí và khoảng hơn 10 loại phí khác dự kiến chuyển sang giá dịch vụ, là doanh thu của các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Nội dung này được quy định cụ thể và rõ ràng hơn trong Luật phí, lệ phí sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.

Không quy định dự phòng ngân sách ở các bộ

Về dự phòng ngân sách tại một số bộ, ngành trung ương (Điều 47), có nhiều ý kiến đề nghị không quy định dự phòng NSNN một số bộ, ngành trung ương, vì dẫn đến NSNN bị phân tán.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách và Cơ quan soạn thảo thống nhất tiếp thu ý kiến trên, bỏ quy định tại khổ 2 khoản 1 Điều 47 của Dự thảo vì cho rằng nếu quy định thì sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc giao, phân bổ vốn phải bảo đảm đủ, đúng cho các cơ quan sử dụng NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, việc quy định dự phòng ngân sách ở các bộ, cơ quan Trung ương sẽ dẫn đến NSNN bị phân tán, không tập trung.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đồng tình với cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo Luật. Chủ tịch QH cho rằng, lệ phí thì thu vào ngân sách, còn phí không thu vào ngân sách. “Ở địa phương hay trung ương các khoản thu là phải thu vào ngân sách, không được để ngoài. Hướng phân cấp như thế này là đúng”, Chủ tịch QH nói.

Về quy trình ngân sách, báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho biết, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị QH quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp.

Giai đoạn 1, tại kỳ họp giữa năm, QH sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, cơ cấu chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, một số lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm Chính phủ báo cáo về dự toán thu, chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể ngân sách trung ương cũng như dự toán ngân sách nhà nước để QH xem xét quyết định.

Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với đề nghị trên vì cho rằng, việc quyết định ngân sách theo quy trình qua hai kỳ họp sẽ giúp việc xây dựng dự toán được khoa học, chất lượng hơn, phát huy vị trí, vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban nhân dân… Đây cũng là một thông lệ tốt của quốc tế.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, nếu thực hiện Luật NSNN hàng năm thì chặt chẽ hơn, theo đúng thông lệ quốc tế. “Tuy nhiên, chúng ta kế thừa vận dụng các nguyên tắc trước đây, nên không áp dụng Luật NSNN thường niên mà thực hiện Nghị quyết hàng năm. Thực hiện Luật NSNN thường niên chặt chẽ hơn rất nhiều, tuy nhiên nếu áp dụng ngay sẽ có nhiều vướng mắc”, ông Hiển nhấn mạnh.

Không kéo dài thời gian trình luật tại QH

Trong báo cáo giải trình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nêu: Do nội dung tiếp thu, giải trình phức tạp, cần lấy ý kiến rộng rãi, tạo sự đồng thuận giữa các ngành, địa phương, nên để bảo đảm quy định có tính khả thi cao, cần có nhiều thời gian để hoàn chỉnh Dự thảo. Luật NSNN (sửa đổi) cần được QH thông qua sau Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Vì vậy, ủy ban này và cơ quan soạn thảo xin kiến nghị QH tiếp tục xem xét cho ý kiến lần 2 tại kỳ họp thứ 9 và xem xét thông qua Dự thảo Luật vào kỳ họp thứ 10, tháng 10/2015. Việc Quốc hội thông qua Luật NSNN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10 vẫn đảm bảo thời gian tổ chức hướng dẫn thực hiện luật, vì dự kiến luật này có hiệu lực từ 1/1/2017.

Theo ông Phùng Quốc Hiển, dù thông qua tại kỳ họp thứ 9 hay thứ 10 thì nó sẽ áp dụng cho năm ngân sách 2017, nên không ảnh hưởng tới việc thực hiện dự toán ngân sách cho những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, vấn đề này nhận được một số ý kiến khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng vì đây là luật có ảnh hưởng lớn nên việc trình QH qua 3 kỳ họp là hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại cho rằng: "Thẩm quyền về ngân sách phải quy định cụ thể trong luật, chứ không thể chờ Luật Tổ chức chính quyền địa phương”. Theo ông, luật này phải đồng hành với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bởi “nếu để cuối năm thông qua thì việc thực hiện ngân sách năm sau sẽ gặp khó khăn, cho nên phải làm đồng bộ mới kịp được”, ông Phan Trung Lý phân tích thêm.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, kỳ họp tới phải thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, Luật NSNN (sửa đổi) phải “đi theo”.

Chủ tịch QH nhấn mạnh rằng, nếu phân cấp không rõ thì không bố trí được ngân sách. Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải làm rõ phân cấp giữa trung ương và địa phương và phải được thông qua, từ đó mới tính tới chi ngân sách. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Luật NSNN (sửa đổi) cố gắng đi song hành, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thông qua trước, Luật NSNN (sửa đổi) thông qua sau, tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo và Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật NSNN (sửa đổi). Về thời điểm trình QH thông qua, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Luật NSNN (sửa đổi) cần song hành với Luật Tổ chức chính quyền địa phương./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam