Nhiều án tham nhũng được xét xử kịp thời

16:06 | 19/01/2015 Print
Đánh giá về kết quả ngành Tòa án đã đạt được trong năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, nét mới là nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được ngành đưa ra xét xử kịp thời.

Ngày 19/1 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tới dự Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2015.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa, cho biết, trong năm 2014, ngành đã giải quyết hơn 385.000 vụ án các loại trong tổng số hơn 415.000 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,8%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án là 1,16%, giảm 0,1% so với năm 2013.

Theo ông Hòa, số vụ án giải quyết trong năm 2014 tăng hơn 20.000 vụ. Đi liền với tính chất ngày càng phức tạp là việc xuất hiện một số hành vi phạm tội và tranh chấp mới, nhưng nhờ chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều giải pháp quyết liệt tại tòa án các cấp, nên kết quả giải quyết, xét xử có sự chuyển biến tích cực.

Ngoài ra, ngành Tòa án còn hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội giao phó trong công tác giám đốc kiểm tra, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, xây dựng pháp luật, thi hành án hình sự…

Ghi nhận kết quả của ngành Tòa án trong năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, ngành Tòa án đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nổi bật là tỷ lệ giải quyết các loại vụ án đạt cao (92,8%); án để quá hạn luật định, bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán đều giảm so với năm 2013; chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa được nâng lên.

“Nét mới là nhiều vụ án tham nhũng lớn, xã hội hết sức quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Trong quá trình xét xử, khi phát hiện tội phạm mới đã tiến hành khởi tố tại tòa hoặc xem xét lại tội danh một số hành vi phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”, Chủ tịch nước nói.

Theo TAND Tối Cao, nhiều vụ án tham nhũng điển hình được xét xử trong năm qua có vụ Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk-Đăk Nông cùng các đồng phạm phạm tội “Nhận hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; vụ Nguyễn Thanh Huyền, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vifon phạm tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; vụ Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam cùng đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ Nguyễn Đức Kiên cùng các bị cáo phạm tội “Trốn thuế”, “Kinh doanh trái phép”, và các vụ án lớn phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy ở các tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ…

Cũng theo Chủ tịch nước, ngành Tòa án cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra, giám đốc một số vụ án hình sự có đơn kêu oan, nhìn chung được dư luận đồng tình ủng hộ, hoan nghênh.

Tuy nhiên, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế của ngành là tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan vẫn còn nhiều, chưa khắc phục triệt để án quá hạn luật định do lỗi chủ quan của thẩm phán; vẫn còn một số bản án quyết định không rõ ràng, gây khó khăn cho việc thực hiện.

Một số cán bộ, công chức (nhất là cán bộ có chức danh tư pháp) trình độ năng lực còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có trường hợp bị xử lý kỷ luật. Việc thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm so với yêu cầu…/.

Theo chinhphu.vn

Theo chinhphu.vn

© Thời báo Tài chính Việt Nam