Ngành Tài nguyên tạo được nhiều dấu ấn trong năm 2014

11:10 | 02/01/2015 Print
Năm 2014, cả nước đã cấp được 41,6 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích cần cấp; đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai tại gần 500/ tổng số 7.900 xã, phường, thị trấn.

pho thu tuong

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: H.Q

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường năm 2015, do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức ngày 31/12.

Cải cách thủ tục hành chính là điểm nhấn của ngành

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang khẳng định, năm 2014, công tác quản lý Nhà nước về TN&MT đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Toàn ngành đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm từ hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật TN&MT đến tổ chức triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý TN&MT, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…

Cụ thể, lĩnh vực quản lý đất đai, năm 2014, cả nước đã cấp được 41,6 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích cần cấp; đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai tại gần 500/ tổng số 7.900 xã, phường, thị trấn, trong đó một số tỉnh, huyện đã cơ bản hoàn thành và đã đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực trong quản lý đất đai, điển hình là tỉnh: Đồng Nai, Vĩnh Long, Long An, An Giang, Thừa Thiên Huế,...

Năm 2014 cũng đánh dấu bước tiến mới quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường khi Luật bảo vệ môi trường 2014 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, khóa XIII, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Bộ TN&MT đã chỉ đạo triển khai thi hành Luật theo Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét ban hành 7 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật có thể triển khai ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.

Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng", đã có 384/439 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đạt 87,5%..., lĩnh vực địa chất khoáng sản cũng có sự chuyển biến rõ nét. Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản được tăng cường. Tình trạng “chảy máu khoáng sản” từng bước được hạn chế.

Cần những đột phá trong giai đoạn mới

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự nỗ lực, cũng như những kết quả đáng khích lệ của ngành TN&MT trong năm 2014. Phó Thủ tướng cho rằng, trong kết quả chung phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của đất nước có sự đóng góp của ngành TN&MT.

“Tôi cho rằng, ngành TN&MT luôn có vị trí, vai trò quan trọng. Có thể nói ngành TN&MT quyết định đến sự phát triển bền vững của quốc gia”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, những năm gần đây tình trạng khiếu nại, tố cáo có giảm nhưng công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư còn nhiều bất cập. Vì vậy, Bộ TN & MT cần tiếp tục đưa ra các phương pháp bồi thường, giải phóng mặt bằng sao cho đơn giản hơn, bình đẳng hơn, nhằm hạn chế khiếu kiện, khiếu nại; về cơ sở dữ liệu đất đai, nhiều địa phương đã có nỗ lực tích cực tham gia dữ liệu cơ sở đất đai, tới nay đã có 9 tỉnh xây dựng được cơ sở dữ liệu đất đai. Việc xây dựng cơ sở đất đai cần đẩy mạnh hơn nữa sẽ hạn chế được tiêu cực.

"Công tác khoáng sản, qua quá trình kiểm tra đã rút giấy phép của rất nhiều trường hợp vi phạm. Thực hiện công tác cấp quyền khai thác khoáng sản, ở địa phương đã thu được 5.000 tỷ đồng, đó cũng là một nguồn thu lớn. Tuy nhiên vẫn cần có những giải pháp sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành TN&MT phát huy những kết quả đã đạt được, phối hợp tốt với các bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của ngành.

Trong giai đoạn tiếp theo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ TN&MT tập trung vào các nội dung trọng tâm là tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và đóng góp vào chiến lược quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trên mọi lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực TN&MT; tăng cường điều tra trữ lượng khoáng sản; Mở rộng điều tra cơ bản về tài nguyên nước; Tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu…/.

Hồng Quyên

Hồng Quyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam