Hà Nam cam kết không xếp hàng hóa quá tải trọng cho phép

15:21 | 23/12/2014 Print
Sáng nay (23/12), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ ký cam kết không xếp hàng hóa quá tải trọng cho phép lên xe ô tô cho các doanh nghiệp vận tải, các đầu mối hàng hóa, các mỏ vật liệu, mỏ quặng.

ký cam kết

Đại diện các doanh nghiệp cam kết không chở hàng quá tải.

Theo Ban An toàn Giao thông tỉnh Hà Nam, Hà Nam là địa phương cung cấp khối lượng lớn cát, đá, sỏi, đất sét, vật liệu xây dựng cho cả khu vực phía Bắc. Do vậy, lượng phương tiện vận tải của địa phương cũng như các địa phương khác đến hoạt động trên địa bàn rất lớn.

Theo thống kê, địa bàn hiện có trên 1.000 xe tải các loại đang hoạt động trên tuyến Quốc lộ 1 và các tuyến đường tỉnh như ĐT 494, 491, 495B, QL38, trong đó, xe từ 5 tấn trở lên có tới 533 chiếc, hoạt động chủ yếu là ở các huyện Thanh Liêm, TP. Phủ Lý nơi tập trung nhiều mỏ đá, mỏ cát, mỏ sét.

Sau ngày 1/4/2014, khi chủ trương siết chặt kiểm soát tải trọng xe được triển khai, Hà Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, việc đồng loạt thắt chặt cân xe, xe quá tải trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Trên địa bàn tỉnh, toàn bộ xe tải đã tháo dỡ phần tự cơi nới, doanh nghiệp và lái xe đã thay đổi nhận thức chấp hành quy định chở hàng đúng với tải trọng cho phép. Người dân cũng rất đồng tình ủng hộ với cách làm này của tỉnh.

Tính đến ngày 16/12, lực lượng chức năng đã kiểm tra trên 10.000 xe tải, xử lý vi phạm trên 1.000 xe, tước giấy phép lái xe hơn 700 phương tiện vi phạm, xử lý cắt thành thùng đối với 162 xe vi phạm về kết cấu thành thùng, trong đó có 9 xe bị xử lý lần 2.

Tại buổi lễ ký cam kết không xếp hàng hóa quá tải trọng cho phép, các doanh nghiệp vận tải, chủ mỏ đá, mỏ vật liệu nhất trí ủng hộ các chủ trương không xếp hàng lên xe quá tải đồng thời cam kết sẽ không chở hàng quá tải, yêu cầu các chủ, lái xe chấp hành nghiêm túc các quy định về quá tải và đảm bảo an toàn giao thông.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải về kiểm soát xe quá tải, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp như: Triển khai 63 trạm cân lưu động để kiểm soát xe quá tải; thành lập 9 đoàn kiểm tra kích thước thùng hàng; tổ chức ký cam kết đối với cảng biển; tổ chức ký cam không xếp hàng lên phương tiện vận tải vượt quá tải trọng cho phép cho đối với các địa phương. Trong đó, giải pháp không xếp hàng quá tải là giải pháp căn cơ để chấm dứt tình trạng quá tải.

Bên cạnh đó, Hà Nam là một trong những tỉnh có nhiều mỏ đá, mỏ vật liệu, mặc dù tỉnh đã rất quyết liệt triển khai nhiều biện pháp kiểm soát xe quá tải. Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải hoạt động tại địa bàn tỉnh vẫn còn phức tạp. Vì vậy, UBND tỉnh Hà Nam cần tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban ngành tiếp tục tuyên truyền để lái xe, chủ doanh nghiệp, đầu mối hàng hóa,… hiểu rõ trách nhiệm, nắm rõ các quy định về xếp hàng hóa quá tải. Đặc biệt tuyên truyền các quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo lực lượng Thanh tra phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm túc, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, tránh tình trạng “xe vua” hoạt động.

"Các doanh nghiệp đã ký cam kết thì phải thực hiện nghiêm túc những quy định đã cam kết. Ngoài ra, đối với các xe vi phạm về tải trọng nếu có bãi hạ tải thì tiến hành hạ tải, nếu không có thì yêu cầu lái xe quay lại nơi bốc xếp tiến hành hạ tải, nếu cân mà không vi phạm thì mới được lưu hành tiếp", ông Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh./.

Tin và ảnh: Trí Dũng

Tin và ảnh: Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam