Bầu Kiên phủ nhận việc gây áp lực với ACB theo lời khai của Lý Xuân Hải

16:50 | 05/12/2014 Print
Ngày 5/12, bước vào ngày xét xử thứ 6, HĐXX phúc thẩm tiếp tục thẩm vấn các bị cáo về nội dung bản án sơ thẩm do TAND TP Hà Nội tuyên: Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo cho rằng vì ảnh hưởng của bị cáo Kiên nên vi phạm luật.

bầu kiên

Tuy nhiên, bầu Kiên phủ nhận việc gây ảnh hưởng tới cán bộ, nhân viên của ACB.

Phạm luật vì ảnh hưởng của bầu Kiên?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, HĐQT đại diện cho toàn thể các cổ đông, có nhiệm vụ quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ không thuộc thẩm quyền của Đại hội cổ đông.

Tuy nhiên, tại Ngân hàng Á châu, bên cạnh HĐQT còn một cơ cấu khác tồn tại song song gọi là Hội đồng sáng lập. Các thành viên của Hội đồng sáng lập đều là các cổ đông lớn, trong đó ông Trần Mộng Hùng là cổ đông lớn nhất nắm chức vụ Chủ tịch, bị cáo Nguyễn Đức Kiên, cổ đông lớn thứ 2 giữ vị trí Phó Chủ tịch. Tại ACB Hội đồng sáng lập có chức năng tư vấn cho HĐQT và tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT. Lời khai của các bị cáo khi bị HĐXX thẩm vấn tại Tòa cho thấy, các quyết định của HĐQT ACB phải được Hội đồng sáng lập đồng ý mới được thông qua.

Khi được hỏi, bị cáo Trịnh Kim Quang cho biết, ở ACB, bị cáo Kiên có ảnh hưởng rất lớn. Thứ nhất là bị cáo Kiên có khả năng hùng biện, rất giỏi thuyết phục. Thứ hai là bị cáo Kiên có quyền lực của cổ đông lớn.

Còn bị cáo Lý Xuân Hải trình bày về việc Công ty ACBS được ACB rót tiền rồi mua chính cổ phiếu của ACB: "Tôi xác nhận có tham dự cuộc họp ngày 2/11/2009. Trong cuộc họp đó, tôi đồng ý cấp hạn mức đầu tư tối đa vào thị trường chứng khoán. Ngoài ra, không tham gia bất kỳ điều gì khác. Tôi có biết việc thông qua hạn mức tín dụng tại Vietbank và Kiên Long Bank. Nhưng tôi không cấp tín dụng cho Công ty ACBS và ACBI Hà Nội. Tôi không đồng ý và kể cả sau cuộc họp đó tôi không bàn bạc và không nhận được bất kỳ chủ trương nào để ACBS đầu tư cổ phiếu vào ACB...”.

Tuy nhiên, lời khai của bị cáo Lý Xuân Hải đã bị bầu Kiên phủ nhận. Bị cáo Kiên khẳng định không chỉ đạo gây áp lực hay tạo ảnh hưởng tới bất kỳ thành viên HĐQT hoặc nhân viên nào của ACB, dù ở các cấp độ thấp cho đến Chủ tịch. Theo bị cáo, trong các quy định của pháp luật, không quy định nào cho thấy bị cáo là cổ đông lớn. Các văn bản pháp luật về doanh nghiệp không có khái niệm cổ đông lớn. Bị cáo cho rằng không có căn cứ nào để xác định bị cáo là cổ đông lớn.

Từ dẫn giải không phải là cổ đông lớn, bầu Kiên biện luận không có căn cứ để xác định bị cáo đã chi phối hoạt động ACB. Là Chủ tịch Hội đồng đầu tư, bị cáo chỉ có trách nhiệm trong hoạt động đầu tư của ACB, còn hoạt động quản trị điều hành của ACB phải tuân theo quy định của pháp luật và quy chế nội bộ.

“Các quy định này không cho phép cá nhân nào chỉ đạo, chi phối hoạt động của ACB. Với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, tôi đã làm đúng các quy định pháp luật. Tôi tin rằng mọi ý kiến của tôi đều đúng pháp luật” - bị cáo Kiên nhấn mạnh.

Gửi tiền tiết kiệm là ý chí của HĐQT

Khai trước Tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp khẳng định việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác như KienLongbank, Vietbank... là ý chí của HĐQT chứ bị cáo không thể chỉ đạo hay chi phối. Theo bị cáo, ngày 22/3/2010, cuộc họp HĐQT diễn ra, trong thời điểm này bị cáo có cuộc họp khác nên không tham gia từ đầu. Trong phần biểu quyết có nội dung bị cáo tham gia là lãi suất huy động của ACB.

“Anh Hùng và tôi có ý kiến khác nhau về tăng hay giảm lãi suất huy động. Anh Hùng muốn giảm, tôi muốn giữ. Lý do, lãi suất huy động của ACB lúc đó thấp nhất trên thị trường và liên quan đến bảng tổng kết. Do đó, trong kết luận không có nội dung tăng hay giảm lãi suất...” - bầu Kiên khai.

Cũng theo bị cáo Kiên, nội dung tăng giảm lãi suất huy động của ACB không liên quan đến việc bàn ủy thác gửi tiền hay không. “Bàn lúc nào tôi không biết. Tôi chỉ biết khi ông Trần Xuân Giá biểu quyết nội dung nghị quyết. Tôi không có ý kiến khác về nội dung này. Điều này hoàn toàn khác với nhận định của VKS là tôi đã chỉ đạo các thành viên HĐQT thông qua Nghị quyết ủy thác, cáo trạng ghi là tôi đồng ý, đồng thuận. Các từ này đều không đúng bản chất sự việc ngày hôm đó. Vì tôi không có thẩm quyền này. Quyền này chỉ thuộc các thành viên HĐQT. Sau cuộc họp này, tôi không dự bất kỳ cuộc họp nào của ACB bàn về vấn đề này...” - bầu Kiên biện bạch.

Vẫn trong nỗ lực tự biện hộ, bị cáo Kiên cho biết tiếp: “Tôi không dự cuộc họp ngày 28/3/2011, tôi cũng không trao đổi ý kiến với các thành viên về bất kỳ nội dung nào. Sau cuộc họp tôi nhận được thông báo nội dung cuộc họp qua hệ thống mạng nội bộ. Bản thân tôi lúc đó nghĩ đây là hoạt động bình thường của HĐQT. Cho nên, tôi hoàn toàn miễn trừ trách nhiệm trong việc ủy thác gửi tiền. Tuy nhiên, tôi đang bị kết tội chủ mưu trong việc này, tôi cho rằng cáo trạng nêu vấn đề này là sai. Hơn nữa, đánh giá thiệt hại hay không thiệt hại gửi tiền, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, ACB không thiệt hại và chưa thiệt hại. Nếu theo cáo buộc của cơ quan tư pháp, nghị quyết ngày 22/3 gây ra thiệt hại 718 tỷ đồng thì ACB không thiệt hại, tổng thu nghị quyết này hơn 3.000 tỷ đồng, trừ đi ACB vẫn thu được hơn 2.000 tỷ đồng...”.

Để làm rõ việc bản án sơ thẩm kết tội Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX đã hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước về chủ trương của ACB ủy thác cho nhân viên đem tiền đi gửi ở ngân hàng khác có đúng không? Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Việc ủy thác là trái Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010”./.

Luận Danh

Luận Danh

© Thời báo Tài chính Việt Nam