Sửa chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

10:21 | 27/11/2014 Print
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa 13, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số Điều tại các luật về thuế. Đây là những nỗ lực tiếp theo giải pháp cải thiện thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN.

ong pham dinh thi

Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế Phạm Đình Thi tại chương trình truyền hình "Tiêu điểm kinh tế" của TTXVN. Ảnh nguồn: Mof.gov.vn

Trao đổi về vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã phỏng vấn ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài Chính.

PV: Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số Điều tại các luật về thuế được Chính phủ trình Quốc hội lần này có rất nhiều thay đổi bổ sung về luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo hướng ưu tiên và hỗ trợ cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ông có thể giải thích rõ hơn về những thay đổi này?

Ông Phạm Đình Thi: Trước hết chúng tôi phải nói rằng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) là lĩnh vực hiện đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm. Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết để phát triển lĩnh vực này, coi đây là những ưu tiên cần thực hiện và cho hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất.

Hiện nay, đối với ngành trồng trọt và chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn thì chúng ta đã thực hiện miễn thuế TNDN. Đối với các doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp thì được áp dụng thuế suất 10% trong vòng 15 năm đầu của dự án.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kể cả bảo quản sản phẩm nông nghiệp hoặc chế biến nông nghiệp thì được hưởng mức thuế suất 10% suốt đời dự án. Như vậy, có thể khẳng định là nông nghiệp đang là lĩnh vực được hưởng mức thuế suất ưu tiên nhất.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này có một bất cập là đối với lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở vùng đặc biệt khó khăn thì chúng ta miễn hoàn toàn thuế TNDN nhưng ở các vùng khác lại chưa hề có các ưu đãi như vậy.

Do đó chúng ta sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư bỏ vốn, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn tại các địa bàn không thuộc vùng khó khăn. Vì vậy, vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Chính phủ đã thống nhất và trình Quốc hội, ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để phát triển nông nghiệp và nông thôn với các nội dung cụ thể như: tại tất cả các địa phương ngoài các địa bàn kinh tế xã hội còn khó khăn, hiện chưa được hưởng các ưu đãi thuế, thì áp dụng mức thuế suất 15% suốt đời dự án.

Đây là giải pháp mà tôi cho rằng sẽ góp phần thu hút những nhà đầu tư có vốn bỏ ra để đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cùng với việc sửa đổi thuế TNDN lần này, Chính phủ đã trình Quốc hội về dự thảo sửa đổi luật thuế GTGT. Theo đó, ngành phân bón và thức ăn chăn nuôi sẽ không phải chịu thuế GTGT.

Chính sách này được cho là sẽ gián tiếp thúc đẩy nông nghiệp phát triển và như nhiều đánh giá của các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam phát triển thì sẽ tạo ra sức lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế của chúng ta, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP ở mức cao hơn.

PV: Dự thảo sửa đổi bổ sung các Điều của luật thuế lần này có đề cập tới vấn đề minh bạch thuế. Đây cũng là một trong những thách thức mà Việt Nam gặp phải trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Theo ông, làm thế nào để tăng được tính minh bạch trong chính sách thuế?

Theo cá nhân tôi, tôi cho rằng minh bạch chính sách vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu trong quá trình cải cách kinh tế, thực hiện công việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

ong pham dinh thi

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài Chính

Ông Phạm Đình Thi: Từ 11/1/2017, Việt Nam sẽ chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO). Chúng ta sẽ tham gia một sân chơi chung và rõ ràng chúng ta sẽ phải thực hiện theo đúng các cam kết của WTO.

Nói về tính minh bạch của chính sách thuế, hiện nay, các quy định xây dựng pháp luật về thuế phải thực hiện theo đúng văn bản quy phạm pháp luật. Có nghĩa là các văn bản quy định mà pháp luật đưa ra phải được đưa ra lấy ý kiến của toàn bộ các đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật và lấy ý kiến của toàn dân để tham gia việc xây dựng pháp luật. Ví dụ như, cần phải đăng các văn bản đó lên website của Bộ Tài chính, website của Chính phủ trong vòng 60 ngày để mọi tổ chức cá nhân đều có thể tham gia đóng góp ý kiến vào việc hoạch định chính sách này.

Theo cá nhân tôi, tôi cho rằng minh bạch chính sách vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu trong quá trình cải cách kinh tế, thực hiện công việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Trong quá trình hoạch định xây dựng chính sách, rất cần sự đóng góp cụ thể của người dân, cũng như của tổ chức cá nhân trong quá trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, để chính sách phù hợp với thực tế cuộc sống thì những người xây dựng chính sách, trước hết phải lắng nghe ý kiến từ người dân từ các tổ chức cá nhân từ doanh nghiệp, các hiệp hội. Đồng thời, chúng ta phải dựa trên nguyên tắc làm thế nào để chính sách vừa đảm bảo được rõ ràng, mọi người đều hiểu rõ.

PV: Những giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế vừa được áp dụng đã tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu đến năm 2015, thời gian hoàn thành thủ tục thuế chỉ còn 171 giờ/năm, Bộ Tài chính đã có những giải pháp gì?

Ông Phạm Đình Thi: Trong cuộc gặp mặt ngành thuế và hải quan vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cắt giảm 50% số giờ thủ tục hành chính thuế trong năm 2014 và phấn đấu tới 2015, đạt bình quân bằng các nước Asean. Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã tự rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính thuế trong lĩnh vực thuế và hải quan, trên cơ sở đó ban hành thông tư 119/2014/TT-BTC, sửa đổi 7 thông tư trước đây và khẩn trương triển khai các biện pháp.

Thông qua chính sách này, thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế đã giảm được 201 giờ. Ngày 1/10/2014, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 63/2014/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có nội dung về cải cách thủ tục hành chính.

Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung các nghị định về thuế. Theo nội dung các nghị định, số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế đã tiếp tục giảm trên 88 giờ. Bằng hai nội dung nghị định của Chính phủ và thông tư sửa 7 thông tư của Bộ Tài chính thì tổng số giờ kê khai thuế đã giảm được 289/537 giờ.

Bên cạnh đó, với dự thảo Luật sửa đổi bổ sung các Điều của luật thuế mà Chính phủ đã trình Quốc hội phê duyệt lần này, dự kiến bảng kê hóa đơn GTGT đầu vào và hóa đơn GTGT bán ra trong việc kê khai nộp thuế GTGT sẽ được cắt giảm. Điều này sẽ mang lại kết quả là chúng ta sẽ giảm thêm được 80 giờ thực hiện thủ tục thuế. Tổng cộng, tới 2015, chúng ta sẽ chỉ còn 171 giờ kê khai thuế.

PV: Đảm bảo nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách quốc gia là một yêu cầu hết sức khó khăn và nhiều áp lực. Ý kiến cá nhân ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Đình Thi: Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn vì chúng ta vừa phải đảm bảo nguồn thu ngân sách nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo làm sao để nền kinh tế phát triển. Để doanh nghiệp có được sức cạnh tranh lớn không những tại thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế, cần phải hỗ trợ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, nhờ đó sức cạnh tranh của nền kinh tế cao hơn & các nguồn thu ngân sách sẽ tăng thêm, quy mô ngân sách lớn hơn.

Hai nhân tố này có sự gắn kết chặt chẽ lẫn nhau, thể hiện nguyên nhân và kết quả. Tuy nhiên, tôi cho rằng với những chính sách đang trình Quốc hội lần này, về trước mắt thì chúng ta có thể thấy là nó sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách (các ưu đãi miễn giảm thuế TNDN trong lĩnh vực NN&PTNT).

Nhưng tôi cho rằng, khi chúng ta đảm bảo được chính sách minh bạch, thủ tục hành chính tiết giảm thì chi phí doanh nghiệp sẽ được tiết kiệm và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm của chúng ta trên thị trường, không những trong nước mà trên trường quốc tế đều tăng lên.

Như vậy, hiệu quả của doanh nghiệp tăng lên, kéo theo hiệu quả của nền kinh tế tăng lên và quy mô ngân sách ngày càng tăng lên. Đây là những hệ quả tất yếu và theo cá nhân tôi, những đề xuất sửa đổi Luật Thuế lần này khi đi vào cuộc sống, xét về dài hạn, các chính sách thuế sẽ không làm giảm ngân sách mà thực chất nó sẽ làm tăng hiệu quả ngân sách và tăng hiệu quả của nền kinh tế. Đây là mong muốn của tất cả chúng ta.

PV: Xin cám ơn ông./.

Diệu Linh - Thùy Dương

Diệu Linh - Thùy Dương

© Thời báo Tài chính Việt Nam