Thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

00:41 | 26/11/2014 Print
Chiều 25/11/2014, tại hội trường, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản. Ảnh: Trung Kiên

Hàm Thứ trưởng trở lên mới được ở nhà công vụ

Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 179 điều. Luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nhà ở nhằm phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở, bao gồm nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ; nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội; hình thành các định chế tài chính phát triển nhà ở phù hợp để các doanh nghiệp và mọi người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho mục đích cải thiện nhà ở;...

Luật cũng mở rộng đối tượng và điều kiện người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để huy động các nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm…

Trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, để bảo đảm quyền của chủ sở hữu nhà ở và các bên có liên quan, luật đã chỉnh sửa theo hướng, làm rõ thời điểm xác định quyền sở hữu nhà ở; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán.

Về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, UBTVQH nhận định, quyền sở hữu nhà ở được xác lập trong các giao dịch về nhà ở kể từ khi các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng (như: bên mua đã thanh toán đủ tiền và bên bán đã bàn giao nhà), không phụ thuộc vào thủ tục hành chính đăng ký quyền sở hữu; thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm xác lập quyền sở hữu theo pháp luật dân sự. Việc đăng ký quyền sở hữu thực chất là nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, chứ không phải chỉ khi được Nhà nước ghi nhận thì mới phát sinh quyền sở hữu.

Về phát triển nhà ở công vụ, UBTVQH đã chỉnh lý nội dung này trong luật theo hướng: nếu là cán bộ, công chức ở trung ương thì giữ chức vụ từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên, nếu ở địa phương thì từ cấp chủ tịch huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên, nhưng vẫn phải đáp ứng điều kiện là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác và một số điều kiện khác theo quy định.

Các đối tượng cán bộ, công chức khác nếu được điều động, luân chuyển đến công tác tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo thì mới được bố trí thuê nhà ở công vụ như đối tượng là giáo viên, bác sĩ.

Kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định 20 tỷ đồng

Cũng trong chiều 25/11, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Trước ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cách tính giá bất động sản (BĐS) là tài sản công khi đưa vào kinh doanh, báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH cho biết, trong luật quy định giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng.

Trường hợp Nhà nước có các quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó. Theo đó, trường hợp BĐS là tài sản công đưa vào kinh doanh và những BĐS mà Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thì phải thực hiện bán, cho thuê theo giá do Nhà nước quy định.

Đối với ý kiến về điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh BĐS, luật quy định mức vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng là điều kiện cần khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Còn khi thực hiện dự án cụ thể thì chủ đầu tư phải có vốn thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên theo quy định của pháp luật về đất đai.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết cho phù hợp với từng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh BĐS trong từng thời kỳ. Những trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật để trên cơ sở đó Chính phủ sẽ quy định cụ thể.

Ngoài ra, luật cũng có nhiều quy định để bảo vệ quyền lợi của bên mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai như: Chủ đầu tư phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính trong trường hợp không bàn giao nhà ở đúng tiến độ đã cam kết theo hợp đồng;

Chỉ được thu tiền ứng trước của khách hàng khi đã xây dựng xong móng của công trình và phải được cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh kiểm tra đủ điều kiện của nhà ở được phép bán, cho thuê mua;

Đồng thời lần đầu chủ đầu tư chỉ được thu không quá 30% giá trị hợp đồng, không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà và không quá 95% giá trị hợp đồng khi bên mua, thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận.

Chủ đầu tư phải sử dụng tiền ứng trước của khách hàng đúng mục đích...

Vĩnh Thái

Vĩnh Thái

© Thời báo Tài chính Việt Nam