Tập trung quản lý sử dụng hơn là quản lý sở hữu ô tô, xe máy

22:54 | 19/11/2014 Print
Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới đã khuyến nghị như vậy về chính sách của Chính phủ tại Hội thảo “Nghiên cứu về sở hữu, sử dụng và các giải pháp nâng cao an toàn cho người điều khiển mô tô, xe máy” ngày 18/11/2014.

ô tô xe máy

Toàn cảnh Hội thảo “Nghiên cứu về sở hữu, sử dụng và các giải pháp nâng cao an toàn cho người điều khiển mô tô, xe máy”.

Hội thảo do Ngân hàng Thế giới và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, xe máy hiện đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, chiếm trên 85% tổng phương tiện giao thông đang hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm như linh hoạt, giá thành rẻ, xe máy là phương tiện đứng đầu bảng về nguy cơ tai nạn giao thông, chiếm hơn 70% số vụ tai nạn đường bộ.

Chính vì vậy, mặc dù là phương tiện đi lại phổ biến ở Việt Nam nhưng theo đánh giá trong nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, những hiểu biết của các thành phố về việc quản lý phương tiện này còn rất ít.

Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới dựa trên phỏng vấn gần 6.000 người dân ở Hà Nội cho thấy, người dân Hà Nội có đặc tính sở hữu, sử dụng xe máy rất bền vững, không sẵn lòng thay đổi hành vi đi lại mặc dù lo ngại về an toàn và các điều kiện môi trường. Như vấn đề an toàn, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho biết người đi xe máy đánh giá sự an toàn là vấn đề quan trọng với 95% người được hỏi đội mũ bảo hiểm. Điều đáng lo ngại là chỉ có 25% trẻ em dưới 16 tuổi đội mũ bảo hiểm.

“Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người dân muốn chuyển sang phương tiện vận tải công cộng nếu như nó đủ tốt, đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhưng nếu với thực trạng hiện nay sẽ rất khó khuyến khích họ từ bỏ xe máy để chuyển sang phương tiện khác”, ông David Spice, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho biết thêm.

Thêm một khuyến nghị được Ngân hàng thế giới gửi đến các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam nữa. Đó là chính sách cần tập trung vào việc quản lý sử dụng hơn là quản lý sở hữu.

Bởi vì, theo đánh giá của nghiên cứu: chính việc sử dụng ô tô, xe máy mới gây ra vấn đề phức tạp giao thông ở Hà Nội, chứ không phải do sự gia tăng sở hữu phương tiện.

Cụ thể, số km trung bình mà một phương tiện đi được giảm xuống khi số phương tiện/người trong hộ gia đình tăng lên. Nếu số xe máy trong hộ gia đình giảm đi, các xe còn lại sẽ được sử dụng nhiều hơn.

Chính vì vậy, theo ông David Spice không hạn chế sở hữu phương tiện nhưng phải tạo điều kiện khuyến khích người dân tìm đến những phương thức vận tải hợp lý hơn đối với những chuyến đi của mình.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, nghiên cứu đánh giá của Ngân hàng thế giới về ATGT đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ tạo điều kiện để các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực GTVT có thêm kinh nghiệm thực tiễn.

Đồng thời, sẽ được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lựa chọn, sử dụng trong quá trình xây dựng kế hoạch, chiến lược đảm bảo ATGT trong những năm tiếp theo./.

Tin và ảnh: Trí Dũng

Tin và ảnh: Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam