Tạo đột phá về thể chế để đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

14:34 | 11/11/2014 Print
Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tập trung vào tên gọi, phạm vi đầu tư, thẩm quyền của hội đồng thành viên, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, tiền lương, thưởng đối với người quản lý DN...

đinh văn nhã

ĐB Đinh Văn Nhã phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đức Minh

Về tên gọi dự án luật, hầu hết các ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi của dự án Luật theo Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12/6/2012 của Quốc hội là “Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”. Một số ý kiến đề nghị rút gọn là “Luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Đề cập về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, dự án Luật này chỉ quy định các nội dung về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN; đối với việc đầu tư vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… được quy định tại Luật Đầu tư công; quản trị DN được quy định tại dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này không chồng chéo, trùng lặp với các luật có liên quan.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị, dự thảo luật phải tạo đột phá về thể chế nhằm tác động mạnh mẽ đến tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, gắn kết chặt chẽ với hệ thống pháp luật có liên quan đã ban hành. Đặc biệt cần phải phân định rõ về thẩm quyền gắn với trách nhiệm của tổ chức cá nhân từ chính phủ, bộ, ngành trung ương đến các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN

Điều 10 về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp tại dự thảo Luật quy định như sau:

1. Đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp thuộc phạm vi sau đây:
a) Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội;
b) Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh;
c) Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước;
d) Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

2. Doanh nghiệp có chức năng hỗ trợ điều tiết kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước được thực hiện theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước và được hạch toán theo cơ chế thị trường.

3. Chính phủ quy định chi tiết phạm vi đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, cơ chế đặt hàng và hạch toán của doanh nghiệp.

Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư, Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên), Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và nhiều ý kiến khác đồng tình với Điều 10 của dự thảo Luật đã cụ thể hóa những ngành, lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo từng hình thức đầu tư cụ thể, trên cơ sở Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án tiếp tục sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp là quá rộng và chung chung. Cần xác định những ngành, lĩnh vực Nhà nước không tham gia hoặc tham gia ở mức độ nhất định; những lĩnh vực Nhà nước cần giữ vốn và đẩy nhanh những lĩnh vực cần thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đề nghị quy định cụ thể thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp phải do Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Về thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trong việc huy động vốn; đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định; đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, đa số ý kiến cho rằng cần giới hạn thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với việc huy động vốn, quyết định các dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định và đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp vì giá trị tuyệt đối của tỷ lệ 50% vốn chủ sở hữu sẽ khác nhau ở các doanh nghiệp có quy mô khác nhau.

Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn về huy động vốn của doanh nghiệp; đề nghị xem xét điều chỉnh quy định tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay vốn đối với một công ty con do doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ không quá 50% giá trị vốn chủ sở hữu của công ty, phải phù hợp với quy định về đảm bảo an toàn vốn (hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần).

Có ý kiến đề nghị hạ tỷ lệ cho phép đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp từ không quá 50% xuống còn không quá 30%; đề nghị giới hạn các ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp được đầu tư, cụ thể chỉ được đầu tư vào các ngành, lĩnh vực nêu tại Điều 10 dự thảo Luật, tránh trường hợp đầu tư tràn lan gây rủi ro vốn cho Nhà nước.

Tiếp thu các ý kiến ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu và chỉnh lý quy định như tại các điều 23, 24 và 28 của dự thảo luật theo hướng bổ sung giới hạn thẩm quyền của Hội đồng thành viên, hoặc Chủ tịch công ty đối với các dự án có giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B trong việc huy động vốn; đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định; đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Qua tổng hợp ý kiến ĐBQH tại Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, hầu hết các đại biểu ủng hộ việc thông qua dự thảo luật tại kỳ họp này, nhằm tạo ra bước đột phá về thể chế, đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước./.

Minh Đức

Minh Đức

© Thời báo Tài chính Việt Nam