Đại biểu Quốc hội lưu ý trấn áp tội phạm kinh tế trong tái cơ cấu

22:35 | 02/11/2014 Print
Nội dung chú trọng đảm bảo an ninh chính trị, tăng cường trấn áp tội phạm kinh tế, đặc biệt là tội phạm ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã được ĐB Quốc hội lưu ý trong phiên thảo luận về kết quả giám sát tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và ngân hàng sáng 1/11.

DKT

ĐB Đỗ Kim Tuyến nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh chính trị trong tái cơ cấu.

Đánh giá chung, các ĐB cho biết quá trình tái cơ cấu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định vĩ mô, thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên quá trình tái cơ cấu còn chậm, mục tiêu tái cơ cấu còn chung chung nên khó đánh giá, giám sát. Thiếu cơ sở xác định và ràng buộc trách nhiệm, tạo ra tâm lý chủ quan ỷ lại trong quá trình thực hiện đề án.

Bên cạnh nhiều đóng góp về mặt chính sách, cơ chế kinh tế cho quá trình tái cơ cấu, cũng có ý kiến đáng chú ý về việc đảm bảo an ninh chính trị, trấn áp tội phạm kinh tế trong quá trình tái cơ cấu.

Tội phạm ngân hàng diễn biến phức tạp

ĐB Bùi Mậu Quân, Thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Bộ Công an cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công an đã mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng. Chủ động phát hiện nhiều băng nhóm tội phạm, hàng loạt vụ vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng, ngoại tệ , tín dụng đen, gian lận thương mại, lập hồ sơ khống, giấy tờ giả để chiếm dụng số tiền lớn của ngân hàng.

Một số cán bộ ngân hàng biến chất, câu kết với các đối tượng xấu dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng, sẵn sàng gian lận thương mại khi có điều kiện. Dù đây là những thủ đoạn không mới, nhưng vẫn phổ biến và chưa được các cơ quan chức năng phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả.

Cùng với đó, tội phạm chính sách, tội phạm lợi ích nhóm, thâu tóm và lũng đoạn ngân hàng đã và đang gây tác hại không nhỏ cho nền kinh tế, tài chính, tiền tệ, làm thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Từ đầu năm 2014, lực lượng công an đã chủ động phát hiện và khởi tố điều tra 1.318 vụ, 2.109 bị can về tội phạm kinh tế. Một số vụ án lớn mà cơ quan điều tra đã phanh phui như là vụ Vinashin, Vinaline, vụ bầu Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, công ty cho thuê tài chính 2, Agribank, ngân hàng VIB, công ty Trường Ngân Tp.HCM, ngân hàng Công thương chi nhánh Đông Anh và gần đây là vụ bắt giam ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch ngân hàng Đại Dương.

Doanh nghiệp FDI gian lận, trốn thuế ngày càng tăng

ĐB Bùi Mậu Quân cũng đánh giá, tình hình vi phạm trong lĩnh vực tài chính tiền tệ diễn ra ngày càng phức tạp, đa dạng, tinh vi. Trong đó rất đáng lưu ý là hoạt động tội phạm có thể gây nguy cơ sập mạng của hệ thống ngân hàng, lấy cắp tiền ngân hàng, gây rối loạn điều hành hệ thống tài chính tiền tệ, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao, tấn công mạng trên toàn cầu.

Đây là loại tội phạm phi truyền thống xuất hiện trong những năm gần đây và ngày càng tăng như tội phạm lừa đảo, đánh bạc, cá độ qua mạng, làm thẻ tín dụng, trộm dữ liệu ngân hàng… Hoạt động điều tra với loại tội phạm này cũng rất khó khăn. Hoạt động rửa tiền, chuyển giá, lừa đảo đầu tư, buôn bán tiền ảo, tiền giả, tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính tiền tệ cũng đã và đang diễn ra phức tạp, công tác thanh tra, giám sát, xử lý của các ngành chức năng chưa kịp thời, triệt để nên tình trạng vi phạm còn diễn ra nhiều trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ.

Bên cạnh đó, thời gian qua cơ quan điều tra cũng đã bắt giữ nhiều đường dây làm giả hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hoá, chiếm đoạt thuế VAT của hàng trăm DN, khởi tố bắt giam nhiều đối tượng, thu hồi cho nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng. Tình hình các DN FDI vào Việt Nam nợ thuế, trốn thuế đang diễn ra khá phổ biến, nhất là các DN Trung Quốc. Các loại tội phạm mới như lừa đảo, chạy vốn đầu tư, nhất là vốn nước ngoài, thao túng chứng khoán, lấy cắp mật khẩu đột nhập vào hệ thống mạng của ngân hàng có biểu hiện diễn biến phức tạp.

Tất cả những vấn đề trên cũng là nguyên nhân gây hạn chế, giảm hiệu quả đối với 3 chương trình tái cơ cấu trọng tâm.

Chú ý an ninh chính trị trong tái cơ cấu

Bên lề phiên họp, trao đổi với các phóng viên, ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội), Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an, cho biết với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của mình, ông sẽ đóng góp ý kiến với quá trình tái cơ cấu về nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn an toàn xã hội và đặc biệt là an ninh chính trị phục vụ cho tái cơ cấu một cách có hiệu quả. Trong đó sẽ đi sâu phân tích vào lĩnh vực tái cơ cấu ngân hàng bởi đây là lĩnh vực thời gian qua diễn biến khá phức tạp.

Cụ thể, ĐB cho biết lực lượng công an sẽ chủ động nắm tình hình, tham mưu đảm bảo an ninh chính trị phục vụ tái cơ cấu, đấu tranh làm thất bại những âm mưu phá hoại từ bên ngoài, lợi dụng tái cơ cấu, đặc biệt là lợi dụng những bất ổn trong tái cơ cấu để chống phá, gây thiệt hại an ninh chính trị. Đồng phát hiện, xử lý vi phạm, thu hồi tài sản, để phục vụ tái cơ cấu.

Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế sắp tới, ĐB đặc biệt quan tâm đến những vấn đề an ninh nổi cộm, đặc biệt như vấn đề giải quyết nợ xấu, vấn đề sáp nhập DN chắc chắn sẽ nảy sinh bất ổn về an ninh. Trên cơ sở đó, chúng ta phải chủ động, gắn tái cơ cấu với nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị chặt chẽ.

ĐB đề nghị với Chính phủ và Quốc hội tập trung quan tâm những vấn đề này, bởi trước nay chúng ta mới chỉ tập trung chủ yếu vào phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, phải thiết lập các hành lang pháp lý, tháo gỡ các rào cản pháp lý, để vừa tái cơ cấu phải đúng pháp luật, vừa có cơ sở để xử lý vi phạm trong quá trình tái cơ cấu, nhất là thất thoát tài sản. “Cuối cùng, tôi đề nghị phải hết sức chú ý về nhân sự, bộ máy lãnh đạo, bộ máy điều hành trong quá trình tái cơ cấu”, ĐB Đỗ Kim Tuyến nhấn mạnh.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam