Đổi mới doanh nghiệp nhà nước: Phải thay mới cán bộ lãnh đạo

12:32 | 02/11/2014 Print
Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục chương trình thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Không đạt yêu cầu quá cao

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng không nên đặt ra yêu cầu quá cao về kết quả tái cơ cấu, mà nên xem chúng ta đã đi đúng hướng hay chưa.

“Tái cơ cấu đầu tư phải đi liền với xây dựng cơ chế đầu tư phù hợp, tạo cơ hội bình đẳng, thuận lợi cho nhà đầu tư. Hay nói ngắn gọn là phải quan tâm đến 3 chữ “cơ” - cơ cấu, cơ chế, cơ hội”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, tái cơ cấu đầu tư cần có cơ chế thuận lợi cho nhà đầu tư, cần đảm bảo nguồn vốn đáp ứng phát triển, giảm tỷ lệ đầu tư nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Về cơ chế, phải giảm cơ chế cấp vốn nhà nước, tăng cơ chế tín dụng. Tăng cường cơ chế công khai, minh bạch. Tăng thẩm quyền đầu tư, phân bổ nguồn vốn. Về cơ hội cho nhà đầu tư, với lĩnh vực có lợi nhuận cần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tuy nhiên với vùng khó khăn có chính sách khuyến khích - ông Hùng phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nói rằng, sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng; lạm phát kiềm chế, các chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt kết quả tích cực, các cân đối lớn chuyển biến rõ rệt, khoa học công nghệ được tăng cường, xây dựng giao thông y tế nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi …

Bàn về kết quả tái cơ cấu đầu tư công, ĐB Sinh cho rằng đây là nội dung có nhiều điểm sáng, nổi bật là Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng làm tiền đề cho tái cơ cấu. Đồng thời, công tác quản lý đầu tư, từ khâu quy hoạch, duyệt đề án triển khai giám sát, bố trí vốn đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản… đã có chuyển biến tốt.

Nhiều dự án được bố trí vốn tập trung đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Việc phân bổ vốn trung hạn giúp các bộ, ngành và các địa phương chủ động hơn trong quản lý và thực hiện nguồn vốn được giao. Việc thực hiện các dự án đầu tư công đã được thực hiện theo cơ chế công khai, minh bạch và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội...

Chuyên gia quốc tế nói với tôi, nếu đổi mới DNNN mà vẫn để nguyên những con người đã sinh ra doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thời kỳ vẻ vang, họ không thể tự chặt chân mình đâu. Phải có người khác đến đổi mới. Cho nên, đổi mới cán bộ cũng là một yếu tố phải tác động mới làm đổ mới được
bo truong bui quang vinh
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Tái cấu trúc là việc lớn của đất nước

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: "Tái cấu trúc là việc lớn của đất nước. Đây là việc dài hạn, không phải 5 năm là xong. Nhưng đã đến lúc phải thay đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, không chỉ đại biểu mà người dân đều cảm nhận được điều này.

Bộ trưởng Vinh đồng tình với ĐB Nguyễn Văn Hiến phải "tái cơ cấu cán bộ": "Chuyên gia quốc tế nói với tôi, nếu đổi mới DNNN mà vẫn để nguyên những con người đã sinh ra doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thời kỳ vẻ vang, họ không thể tự chặt chân mình đâu. Phải có người khác đến đổi mới. Cho nên, đổi mới cán bộ cũng là một yếu tố phải tác động mới làm đổ mới được”.

Bộ trưởng Vinh cho biết: Chúng ta phải tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế. Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu, những việc làm được mới chỉ là ban đầu, trong 3 lĩnh vực này cần tiếp tục làm nhiều hơn. Nhưng chúng ta chưa thảo luận nhiều về vấn đề này. Ba nội dung này chỉ là chủ chốt, còn trong đề án Chính phủ phê duyệt thì nói rõ mục tiêu của tái cấu trúc đầu tư công, định hướng của nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…

Còn đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) thì đưa ra yêu cầu tái cơ cấu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Lộ trình 2 giai đoạn và mô hình 2 tốc độ.

"Giai đoạn đầu tập trung tìm cách đẩy nền kinh tế tăng trưởng sát mức tiềm năng, hiện ta đang làm. Giai đoạn hai tập trung vào chất lượng tăng trưởng, với các yếu tố quan trọng là khoa học công nghệ, cải cách thể chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện ta đang chưa làm được nhiều"./.

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam