Dự án Long Thành: Đề nghị doanh nghiệp vay thương mại trực tiếp

16:29 | 29/10/2014 Print
Sáng 29/10, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.

DLT

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư dự án sân bay Long Thành. Ảnh: TTXVN

7 sân bay hiện tại có thể đáp ứng nhu cầu hàng không

Theo báo cáo thẩm tra, hầu hết ý kiến tán thành chủ trương của Đảng và Nhà nước, cho rằng cần có một cảng HKQT hiện đại để phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ tính cấp thiết của việc đầu tư Cảng HKQT Long Thành, nếu chưa cấp thiết thì cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp.

Bên cạnh đó, các ĐB cũng đề nghị làm rõ thêm nhiều nội dung. Cụ thể như nêu rõ việc xây dựng Cảng HKQT Long Thành là nhằm mục đích trung chuyển, còn nếu chỉ vì giải quyết năng lực vận tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và phát triển vận chuyển hàng không bình thường thì hệ thống cảng hàng không hiện tại với 7 cảng hàng không quốc tế có thể đáp ứng nhu cầu.

Có ý kiến cho rằng có thể mở rộng và nâng công suất Cảng HKQT Tân Sơn Nhất mà không nhất thiết phải di dời nhiều hộ dân như Báo cáo đầu tư đã nêu, vì quy mô quy hoạch của cảng này là 1.500 ha, trong khi mới sử dụng 590 ha cho mục đích dân sự. Nếu sử dụng diện tích sân golf (khoảng 160 ha) và giải tỏa thêm một phần diện tích thuộc quy hoạch sân bay trước đây thì có thể mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất lên 1.000 hoặc 1.200 ha tương đương với các cảng hàng không trong khu vực, không nhất thiết mở rộng đến 1.500 ha.

Bên cạnh đó, báo cáo đầu tư chỉ thuyết minh phương án chọn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là địa điểm để xây dựng Cảng HKQT trung chuyển mà không có nhiều phương án lựa chọn những địa điểm khác ở các vùng miền để có sự so sánh, lựa chọn.

Cũng có ý kiến ĐB cho rằng các số liệu về đầu tư cải tạo, mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa mới chỉ đưa ra ở mức tổng thể, thiếu các số liệu chi tiết chứng minh tính chính xác, hợp lý của các phương án này. Việc đưa phương án cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa vào so sánh nhưng lại nêu lý do sử dụng sân bay này với các mục đích quân sự và nhiễm độc đioxin… dẫn đến phương án này chỉ mang tính hình thức.

Có ý kiến đề nghị nên chọn phương án cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa đồng thời mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để hỗ trợ, phối hợp cùng khai thác có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không trong khoảng thời gian 10 năm tới, sau đó sẽ đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành để giảm gánh nặng cho ngân sách.

Báo cáo lạc quan về hiệu quả kinh tế của dự án

Báo cáo thẩm tra đề nghị giải trình rõ dựa trên những tiêu chuẩn kỹ thuật nào để nói rằng việc khai thác đồng thời Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa sẽ gây chồng lấn vùng trời tiếp cận. Sau này, việc đồng thời khai thác sân bay Long Thành, Biên Hòa và Tân Sơn Nhất thì mức độ chồng lấn nhiều hơn.

Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, Ủy ban Kinh tế cho rằng, báo cáo mới nêu tổng vốn đầu tư của giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả 3 giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn (khoảng 18,7 tỷ USD). Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao.

Về phương án huy động vốn: Việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá báo cáo đầu tư dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được, thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác phải đảm bảo tính cạnh tranh liên tục với chất lượng tốt hơn, giá cả rẻ hơn các sân bay quốc tế của các nước trong khu vực.

Theo báo cáo đầu tư, hiệu quả kinh tế của dự án có tỷ lệ nội hoàn kinh tế cao, do vậy cần tăng cường thu hút nguồn vốn các thành phần ngoài nhà nước để giảm tỷ trọng vốn nhà nước, hạn chế tác động lớn đến nợ công. Mặt khác, để không ảnh hưởng đến nợ công, đề nghị Chính phủ cho phép Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam vay thương mại trực tiếp để thực hiện Dự án./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam