Việt - Ấn sẽ nâng kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD vào 2020

23:00 | 28/10/2014 Print
Đây là một trong những nội dung của Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ được đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân tới Ấn Độ từ ngày 27 – 28/10/2014, theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

thu tuong viet an

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nội dung thông tin của Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ cho biết, hai Thủ tướng hoan nghênh những bước phát triển gần đây của mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ và tái khẳng định cam kết phát triển toàn diện mối quan hệ Đối tác chiến lược này.

Cùng với việc đồng nhất trí cho rằng quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ mang lại hòa bình, thịnh vượng và ổn định cho nhân dân hai nước cũng như trong khu vực. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về những tiến bộ đạt được trong hợp tác quốc phòng, đồng thời yêu cầu sớm triển khai Hiệp định tín dụng trị giá 100 triệu USD Mỹ do Ấn Độ dành cho Việt Nam phục vụ mua sắm quốc phòng.

Trong Tuyên bố chung này, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế là một mục tiêu chiến lược của quan hệ song phương và hoan nghênh sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại song phương trong những năm gần đây.

Trong chuyến thắm Ấn Độ lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được một đoàn doanh nghiệp lớn của Việt Nam tháp tùng và đoàn này đã có nhiều buổi làm việc với các đối tác thương mại và công nghiệp hàng đầu của Ấn Độ như Phòng Công nghiệp Ấn Độ (CII), Liên đoàn các Phòng Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ (FICCI) và Hiệp hội các Phòng Thương mại Ấn Độ (ASSOCHAM).

Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp hai nước đã xác định các lĩnh vực ưu tiên hợp tác bao gồm: khí, điện, cơ sở hạ tầng, du lịch, dệt may, giày dép, y tế và dược phẩm, công nghệ thông tin, điện tử, nông nghiệp, nông sản, hóa chất, máy công cụ và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Hai bên nhất trí tiến hành các biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và đa dạng hóa thương mại song phương vì lợi ích chung, nhất trí đạt mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2020.

Nhằm đạt được mục tiêu này, hai Thủ tướng kêu gọi lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách của hai nước tận dụng hiệu quả những sự kiện như Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ và các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

Hai Thủ tướng tái khẳng định tầm quan trọng của đầu tư đối với phát triển kinh tế cũng như cách thức tạo dựng môi trường huy động đầu tư lớn hơn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các công ty Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam và khẳng định cam kết của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Ấn Độ; Thủ tướng Modi mời các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ với tên gọi ‘Sản xuất tại Ấn Độ’ để cùng hưởng lợi từ sáng kiến mới này.

Trong sự kiện này, Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký các Thoả thuận như: Biên bản ghi nhớ về Trường Đại học Nalanda; Biên bản ghi nhớ về Bảo tồn và Trùng tu các công trình kiến trúc Chàm tại Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam; Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm Tiếng Anh và Đào tạo Tin học tại Trường Đại học Thông tin liên lạc tại Nha Trang; Chương trình trao đổi Văn hóa giai đoạn 2015-2017; Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát thanh giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Prasar Bharati; Thỏa thuận khung hợp tác giữa OVL và PetroVietnam; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa ONGC và PetroVietnam.

Một trong những nội dung quan trọng cũng được thể hiện trong bản Tuyên bố chung, đó là việc hai Thủ tướng tái khẳng định mong muốn và quyết tâm cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Hai bên nhất trí cho rằng tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hoặc đe đoạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Hai Thủ tướng hoan nghênh cam kết chung của các bên liên quan tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.

Hai Thủ tướng kêu gọi tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển, an ninh hàng hải, chống cướp biển và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn./.

Đ.T (lược biên từ VGP)

Đ.T (lược biên từ VGP)

© Thời báo Tài chính Việt Nam