Quảng Nam: Hỗ trợ tín dụng hơn 700 tỷ đồng đóng tàu cá

20:35 | 28/10/2014 Print
Đây là số tiền được phân bổ theo Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản được Quảng Nam ban hành, nhằm đáp ứng nhu cầu đóng mới tàu cá công suất lớn cho ngư dân.

Triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch với tổng kinh phí thực hiện gần 1.321 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh dành 714 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng cho tàu cá; còn lại 559 tỷ đồng đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng thủy sản và 48 tỷ đồng thực hiện chính sách bảo hiểm cùng nhiều hỗ trợ khác.

Theo đó, giai đoạn 2014-2016, tỉnh sẽ chú trọng triển khai thực hiện chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm và một số chính sách khác. Từ đó hỗ trợ cho ngư dân đầu tư đóng mới tàu nhằm từng bước hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ.

Trong giai đoạn này, tổng số tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên cần đóng mới theo Nghị định 67 là 92 chiếc với nhu cầu vốn vay hơn 440 tỷ đồng. Dự kiến sẽ đóng 57 tàu vỏ gỗ, 35 tàu vỏ thép, composite và vật liệu khác. Ngoài ra, nhu cầu vốn vay nâng cấp 70 tàu cá 122,5 tỷ đồng cùng với nhu cầu vay vốn lưu động cho 412 tàu cá hơn 92 tỷ đồng.

Để triển khai có hiệu quả Nghị định 67 của Chính phủ và đáp ứng nhu cầu thiết thực của ngư dân, Quảng Nam sẽ lựa chọn xây dựng 6 mô hình thí điểm đóng tàu vỏ thép hoặc vật liệu mới chuyên làm dịch vụ cung cấp hậu cần cho nghề khai thác hải sản xa bờ, tàu hành nghề câu mực tuyến khơi và nghề lưới vây tại hai huyện Núi Thành và Thăng Bình.

Qua việc dành phần lớn nguồn vốn phân bổ hỗ trợ tín dụng cho ngư dân đóng tàu, địa phương muốn thúc đẩy hình thành phương thức tổ chức đánh bắt theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất trong quá trình khai thác, kết hợp với dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển đánh bắt thủy sản, đảm bảo đời sống, tăng thu nhập cho ngư dân, kết hợp với quốc phòng an ninh, góp phần bảo vệ biển, đảo, chủ quyền quốc gia, lãnh thổ.

Đối với phát triển hạ tầng thủy sản, từ nay đến 2020 Quảng Nam sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án hạ tầng là khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Đại (Cẩm Nam, TP. Hội An) và dự án hạ tầng Khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình.

Đồng thời, triển khai thực hiện 6 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nghề cá (khu neo trú tàu thuyền, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung) có tính chất cấp bách, đột phá nhằm phát triển thủy sản trong thời gian tới theo hướng bền vững.

Theo VGP

Theo VGP

© Thời báo Tài chính Việt Nam