Ở nhà công vụ: Xong nhiệm vụ thì phải trả

08:38 | 26/10/2014 Print
Ngày 24/10, Quốc hội đã thảo luận về hai dự án luật là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, dự kiến được thông qua trong kỳ họp này. Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí về dự luật này.

TDD

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời phỏng vấn báo chí tại Nhà Quốc hội chiều 24/10.

* Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về tác động đối với thị trường bất động sản khi 2 dự luật quan trọng này được thông qua?

- Hai dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có những quan điểm rất rõ, trước hết là yêu cầu phát triển nhà ở nói riêng và phát triển thị trường bất động sản phải theo quy hoạch và có kế hoạch, thay vì trước đây phát triển thiếu quy hoạch và kế hoạch dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, gây ra dư thừa, dẫn đến khủng hoảng bất động sản như thời gian qua. Lần này, Luật cũng đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của Trung ương và địa phương, thay vì tất cả phó mặc cho thị trường. Chúng ta phải thực hiện cả bàn tay hữu hình và vô hình, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Mặt khác, Luật Nhà ở có quan điểm rõ ràng là không chỉ phát triển nhà ở thị trường mà còn phải phát triển nhà ở phi hàng hoá. Đó là phát triển nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước. Luật Nhà ở ra đời là cơ sở rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân và là một bước cụ thể hoá Hiến pháp 2013 về quyền có chỗ ở của người dân. Hai luật này sẽ là cơ sở pháp lý tạo môi trường huy động nguồn lực cho sự phát triển xã hội, nâng cao đời sống người dân.

* Như Bộ trưởng nói, để cân bằng quan hệ cung cầu cho thị trường bất động sản thì tính chất quy hoạch và dự báo đặt ra rất quan trọng. Vậy Bộ Xây dựng sẽ tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề này thế nào để công tác dự báo và quy hoạch nhà ở được thực hiện tốt trong thời gian tới?

- Việc phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung phải tuân thủ theo quy hoạch và phải có kế hoạch. Quy hoạch sau đó cụ thể hoá bằng kế hoạch, kế hoạch là lộ trình để thực hiện quy hoạch. Làm như vậy sẽ tránh được quy hoạch treo, dự án treo và cân đối nguồn lực phù hợp với từng giai đoạn để phát triển thị trường.

Trách nhiệm của Chính phủ cũng như các địa phương trước hết là phải làm tốt công tác quy hoạch, sau đó là phải làm kế hoạch. Kế hoạch này là trên cơ sở cân đối các nguồn lực và các yêu cầu về tiêu dùng nhà ở của người dân, nhu cầu bất động sản của xã hội. Vì vậy, cần có dự báo trên cơ sở thống kê, đánh giá điều kiện của mỗi một địa phương khác nhau thì việc gia tăng sản phẩm bất động sản cũng khác nhau.

* Chính sách xây dựng ở cấp trung ương của Chính phủ nhìn chung được đánh giá tốt nhưng việc thực hiện ở địa phương còn nhiều vấn đề. Vậy Bộ có kiến nghị, giải pháp gì để đảm bảo việc thực thi chính sách trong cuộc sống?

- Các luật này ra sẽ tạo ra hành lang pháp lý, chế tài bắt buộc phải thực hiện. Chỗ nào chưa thực hiện hoặc thực hiện sai pháp luật sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tất nhiên chúng ta chưa thể mong muốn đạt được hiệu quả ngay, từ luật đi vào thực tiễn phải cần có thời gian nhất định để triển khai.

* Có một số ý kiến lo ngại về việc nới rộng đối tượng được ở nhà công vụ trong Luật lần này có thể gây lãng phí, xin Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Thực ra, theo khái niệm nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước thì đây cũng chính là nhà ở xã hội. Trong Luật Nhà ở, nhà ở xã hội được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có vốn ngân sách nhà nước, hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư nhưng có sự hỗ trợ của Nhà nước như hỗ trợ bằng tiền sử dụng đất, bằng cho vay lãi suất thấp, thuế VAT đầu ra. Nguồn thứ ba là nhà ở xã hội do người dân đầu tư, để cho người lao động thuê, mua.

Còn nhà ở công vụ cũng là ngân sách đầu tư, dành cho cán bộ phải luân chuyển để nhận công tác ở nơi mới. Tất nhiên đây là cán bộ cấp cao, khi luân chuyển thì chưa thể tạo dựng nhà ở nơi mới ngay, mà phải có nhà ở để cho họ thuê. Nếu thuê nhà ở bên ngoài với mức lương hiện nay thì khó khăn cho người thực hiện nhiệm vụ. Chính vì vậy, cần có nhà ở công vụ phục vụ cán bộ và tạo điều kiện cho họ làm việc. Một ví dụ khác là nhà tập thể của giáo viên ở vùng nông thôn, chưa nói đến vùng sâu vùng xa. Khi họ chuyển đến những nơi cách nhà vài chục km, thì phải có nhà cho họ ở, không thể đi về trong ngày được. Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước cũng làm vậy.

* Có một vấn đề là thu hồi nhà công vụ, dù luật đã có chế tài nhưng thực thi rất khó, Bộ trưởng đánh giá thế nào về điều này?

- Luật đã có quy định là chỉ khi đảm nhiệm chức vụ được ở nhà công vụ, xong nhiệm vụ thì phải trả. Việc trả hay không trả thì phải xử lý khác. Còn nhà công vụ chỉ cho phép người đến nhận nhiệm vụ, sử dụng trong thời gian công tác, theo hợp đồng giữa người đến nhận và cơ quan quản lý nhà ở công vụ.

* Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam