Dự toán chi trả nợ năm 2015 là 150.000 tỷ đồng

23:32 | 20/10/2014 Print
Chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014, dự toán NSNN năm 2015 và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Năm 2014 thu NSNN ước đạt 846.400 tỷ đồng

Theo báo cáo, năm 2014 kinh tế tuy bước đầu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. DN phá sản tăng, một số ngành giảm mạnh sản lượng, ngân hàng khó khăn, nợ xấu cao làm tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến mức nộp NSNN. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan cũng ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế và hải quan, giảm thời gian, chi phí cho DN, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế.

Trong bối cảnh đó, 9 tháng đầu năm thu NSNN vẫn đạt 81,3% dự toán. Ước tính cả năm thu 846.400 tỷ đồng, vượt 10,6% dự toán, tăng 12,3% so với thực hiện 2013. Các khoản thu nội địa, thu xuất khẩu, thu từ dầu thô đều vượt dự toán

Chi NSNN 9 tháng đạt 73,6% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 78,6%, chi trả nợ và viện trợ đạt 84,9%, chi thường xuyên đạt 76% dự toán. Thực hiện đầy đủ các khoản chi theo dự toán. Đảm bảo đầy đủ các chính sách an sinh xã hội.

Năm 2014, Chính phủ trình Quốc hội cho giữ bội chi bằng dự toán 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP để thêm nguồn thanh toán nợ NSNN. Theo đó, tổng chi đạt 1.070.400 tỷ, vượt 6,3% dự toán, tương ứng vượt thu 6,6% dự toán. Khoản vượt thu này được định hướng tập trung ưu tiên chi trả nợ và một số nhiệm vụ cấp bách về an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.

Bội chi sẽ giảm dần từ năm sau

Bước sang năm 2015, là năm cuối thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 2011 – 2015, kinh tế được dự báo phục hồi cao hơn năm 2014. Trên cơ sở đó, dự toán 2015 được xây dựng với thu NSNN 911.100 tỷ đồng, tăng 8,8% so với ước thực hiện 2014. Tỷ lệ động viên từ thuế và phí bằng 18,9% GDP. Đây là mức dự toán đòi hỏi phải phấn đấu tích cực mới thực hiện được.

Do nhu cầu lớn về chi trả nợ và an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận bội chi năm 2015 là 5% GDP, giảm 0,3% so với năm 2014, các năm tiếp theo sẽ giảm dần bội chi. Với mức bội chi này, các chỉ tiêu dư nợ công, dư nợ chính phủ, dư nợ nước ngoài vẫn trong giới hạn quy định.

Dự toán chi NSNN năm 2015 là 1.137.100 tỷ đồng, tăng 13% so với dự toán 2014. Nguyên tắc chi năm 2015 là tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, nâng chi đầu tư phát triển, chi quốc phòng an ninh, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, gắn với tính giá dịch vụ công, loại bỏ chồng chéo và trùng lắp. Bố trí tăng chi trả nợ, đảm bảo trả nợ đúng hẹn nợ nước ngoài, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Theo dự toán, chi cho đầu tư phát triển là 195.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với dự toán 2014, cao hơn tốc độ tăng thu, tăng chi NSNN. Tính cả chi từ xổ số (20.000 tỷ đồng), trái phiếu Chính phủ (85.000 tỷ đồng) thì tổng chi đầu tư phát triển là 300.000 tỷ đồng, chiếm 24,2% tổng chi NSNN.

Trong quá trình thực hiện, sẽ phấn đấu tăng giải ngân ODA cao hơn mức bố trí dự toán. Tính cả đầu tư cho 5 bệnh viện từ nguồn cổ tức, nguồn thu cổ phần hoá, các nguồn vốn ngoài ngân sách,... tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào khoảng 30% GDP. Dự toán chi trả nợ năm 2015 là 150.000 tỷ đồng, tăng 30.000 tỷ đồng so với 2014.

Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn giảm dần

Đánh giá tình hình thực hiện NSNN 4 năm qua, báo cáo cho rằng cơ cấu thu NSNN nhìn chung lành mạnh. Tuy nhiên do sức ép chi ngày càng lớn, cơ cấu chi NSNN thay đổi theo hướng tỷ trọng chi thường xuyên và chi trả nợ tăng nhanh, chi đầu tư phát triển giảm nhanh, nguồn vốn ngoài ngân sách tăng chậm là hạn chế với nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.

Đối với cơ cấu thu, có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu NSNN từ thuế , phí giai đoạn vừa qua bình quân là 21% GDP, khá sát với Nghị quyết của Quốc hội là không quá 22% GDP. Quy mô thu NSNN giai đoạn này bằng 2 lần giai đoạn 2006 – 2010. Việc áp dụng miễn giảm nhiều loại thuế, phí cho DN, khu vực nông thôn, tiền sử dụng đất, cắt giảm thuế XNK đã dẫn đến giảm thu NSNN trong giai đoạn này khoảng 85.000 tỷ đồng.

Về chi NSNN, cơ cấu thay đổi theo hướng ưu tiên cho con người, tiếp tục cải cách tiền lương và phụ cấp công vụ. Tốc độ tăng chi cho an sinh xã hội tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu và tăng chi, dẫn đến chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn này giảm.

Nguồn vốn đầu tư phát triển chủ yếu từ NSNN và vốn huy động TPCP, vì vậy những năm qua phải duy trì phát hành TPCP và bội chi ở mức cao. Giai đoạn 2014 – 2016 huy động thêm 170.000 tỷ đồng TPCP ngoài 225.000 tỷ đồng giai doạn 2011 – 2015, để có nguồn đầu tư QL 1A, QL 14 và một số dự án khác. Mặt khác, huy động chủ yếu từ trong nước do tình hình khó khăn nên phải tăng vay ngắn hạn. Tỷ trọng TPCP có kỳ hạn ngắn dưới 3 năm 2013 là 77,5%, năm 2014 giảm còn 52% tổng TPCP.

Để hoàn thành kế hoạch thời gian tới, báo cáo của Chính phủ đề xuất một số giải pháp như đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu. Hạn chế tối đa ban hành các chính sách tăng chi. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đánh giá, rà soát các chương trình đang triển khai. Chỉ ban hành các chính sách làm tăng chi khi thật sự cần thiết, có nguồn đảm bảo. Cơ cấu lại nợ công, tăng vay trung dài hạn, giảm dần bội chi, bao gồm cả TPCP./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam