Khai mạc kỳ họp 8 tại Hội trường Diên Hồng

13:09 | 20/10/2014 Print
Sáng 20/10, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá XIII đã khai mạc tại Nhà Quốc hội – Hội trường Ba Đình mới. Đây là lần đầu tiên kỳ họp diễn ra phòng Diên Hồng, hội trường Ba Đình một tên gọi mang ý nghĩa lịch sử và gửi gắm những kỳ vọng mới.

Khai mac

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tại phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN

Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015.

Năm 2014: Thu ngân sách vượt 10,6% dự toán

Theo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2014, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013.

Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12 - 14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá cao.

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng 13% (cùng kỳ tăng 3%). Nhập khẩu tăng 11,6%, chủ yếu là máy móc, thiết bị và nguyên nhiên vật liệu. Ước cả năm xuất khẩu khoảng 148 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập khẩu khoảng 146,5 tỷ USD, tăng 11%. Cán cân thương mại, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế tổng thể tiếp tục thặng dư.

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ, ước cả năm bằng khoảng 30,1% GDP. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng 12,8%, ước cả năm tăng 5,45%. Vốn FDI thực hiện đạt 8,9 tỷ, tăng 3,2%, ước cả năm đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7%. Vốn ODA giải ngân đạt 4,1 tỷ, tăng 10%, ước cả năm đạt 5,5 tỷ USD, tăng 7,1%. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ ước cả năm tăng khoảng 18,3%.

Quản lý thị trường, giá cả được tăng cường; giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có loại giảm đến 34%, giá thuốc chữa bệnh qua đấu thầu giảm bình quân 25 - 30%. Tiếp tục thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với xăng dầu, điện, than, nước sạch, các dịch vụ giáo dục, y tế... đồng thời thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Cổ phần hoá DNNN tăng tốc

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, trong điều kiện kinh tế phát triển không thuận lợi, thu ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn nhưng vẫn phải giảm thu để hỗ trợ DN và phải tập trung nguồn vốn ngân sách, huy động trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng. Đồng thời, còn phải dành phần lớn để thực hiện các chính sách xã hội và tiền lương.

Mặt khác, cơ cấu vay ưu đãi nước ngoài có xu hướng giảm qua các năm do Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nên tỷ trọng vay trong nước tăng lên và việc huy động trái phiếu Chính phủ chủ yếu là dưới 5 năm, dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong ngắn hạn tăng lên. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn. Dự kiến năm 2014 tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%.

Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2014 dự kiến khoảng 25,9% (theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia là dưới 25%). Nguyên nhân là do nền kinh tế có bước phục hồi, nhu cầu vốn ngoại tệ để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tăng cao, các tổ chức tín dụng đã tận dụng cơ hội vay vốn nước ngoài ngắn hạn lãi suất thấp (chiếm khoảng 11,32%). Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để năm 2015 bảo đảm trong giới hạn theo quy định.

Về tái cơ cấu DNNN, báo cáo cho biết, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa và thoái vốn. Trong kế hoạch cổ phần hóa 432 DN giai đoạn 2014 - 2015, qua 9 tháng đã cổ phần hóa 71 DN (gần bằng cả năm 2013 là 74 DN) và đã công bố giá trị 123 DN, dự kiến cả năm sẽ cổ phần hóa khoảng 200 DN. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành 9 tháng đạt 3.500 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cả năm 2013.

Sau phần trình bày của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình KT - XH tnăm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Tổng thanh tra Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày Báo cáo thẩm tra; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ trình bày Báo cáo thẩm tra về Đề án.

Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình bày Báo cáo thẩm tra.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam