Sân bay Long Thành sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn nào?

18:02 | 10/10/2014 Print
Dự án sân bay Long Thành đầu tư giai đoạn 1 vào khoảng 165.000 tỷ đồng, tương đương 7,83 tỷ USD. Bộ GTVT cho biết đang trình Chính phủ hướng vay ODA ưu đãi để giảm huy động vốn trong nước, kéo dài trả nợ trong nhiều năm.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường trả lời các câu hỏi của các phóng viên.

Hôm nay 10/10, Bộ GTVT đã họp báo xung quanh việc xây dựng dự án sân bay Long Thành.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, nguồn vốn đầu tư cho dự án ở giai đoạn 1 khoảng 165.000 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 84.000 tỷ đồng. Con số này khá lớn trong tổng thể nền kinh tế hiện nay. "Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư dự án, ngay từ đầu, Bộ GTVT đã trình Quốc hội rằng sẽ đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trái phiếu, ngân sách, ODA. Bộ GTVT đang trình Chính phủ hướng vay ODA ưu đãi để giảm huy động vốn trong nước, kéo dài trả nợ trong nhiều năm", ông Trường cho biết.

Thứ hai, dự án cũng sẽ sử dụng vốn trái phiếu ở mức độ nằm trong tổng thể Quốc hội sẽ phát hành trong giai đoạn 2016-2021. Đây là 2 nguồn vốn trong nước đầu tư cho giai đoạn này. Ngoài ra, còn vốn tự vay tự trả của DN, khả năng tự vay, tự trả là cao vì tính hấp dẫn hiệu quả của dự án sân bay Long Thành.

Với tư cách là đơn vị được giao lập báo cáo tiền khả thi dự án, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, nguồn vốn đầu tư dự án do nhà đầu tư là các doanh nghiệp, trong đó có ACV đầu tư bằng vốn tự vay và tự trả. Vốn Nhà nước chỉ để làm giải phóng mặt bằng, đường giao thông kết nối cũng như các công trình như hải quan, công an và cũng chỉ chiếm khoảng 14,6% trong giai đoạn này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nếu vay ODA để thực hiện một dự án 7,83 tỷ USD chỉ trong giai đoạn 1 có gây áp lực lên nợ công hay không, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận, thực tế đã chứng minh, các dự án đầu tư trong lĩnh vực hàng không đều có hiệu quả tài chính tốt, DN vay lại vốn ODA luôn đảm bảo tự trả nợ đúng hạn (cụ thể như dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 -Nội Bài...).

Về hiệu quả kinh tế của dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm, kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 22,1%, cao hơn tỷ suất chiết khấu xã hội (mức tiêu chuẩn cho tỷ suất nội hoàn kinh tế cho các công trình công cộng tại Việt Nam trong khoảng từ 10% đến 12%) nên Dự án có khả năng trả nợ tốt.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được chia làm 3 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 tổng mức đầu tư toàn bộ khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng) xây dựng nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, 2 đường cất hạ cánh song song; Giai đoạn 2 nhà ga hành khách công suất 50 triệu khách/năm, thêm 1 đường cất hạ cánh và mở cửa vào năm 2030; Giai đoạn sau cùng nhà ga có hành khách công suất 100 triệu hành khách/ năm với 4 đường cất hạ cánh.

Tin và ảnh: Trí Dũng

Tin và ảnh: Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam