Đề xuất giảm bội chi xuống 5% GDP trong năm 2015

17:46 | 09/10/2014 Print
Sáng 9/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 và năm 2015, phương án phân bổ NSTW năm 2015.

NSNN

(ảnh minh họa)

Đề xuất bội chi 5% trong năm 2015

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2015, Quốc hội yêu cầu giảm bội chi xuống 4,5% GDP. Tuy nhiên do thu NSNN năm 2015 chưa có khả năng tăng đột biến so với năm 2014 trong khi nhu cầu phải tăng chi lớn để trả các khoản nợ đến hạn, đáp ứng nhu cầu quốc phòng an ninh trong tình hình mới, đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận mức bội chi 5% trong năm 2015, tương đương 226.000 tỷ đồng, giảm 0,3% GDP so với năm 2014. Khi đó, dự kiến đến cuối năm 2015, dư nợ công khoảng 64% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,6% GDP.

Về thu NSNN, tổng hợp thu dự toán cân đối NSNN năm 2015 là 901.100 tỷ đồng, tăng 118.400 tỷ đồng so với dự toán năm 2014. Với dự toán thu trên, dự toán chi NSNN là 1.127.100 tỷ, tăng 12% so với dự toán năm 2014, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tăng chi tối thiểu.

Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị nguyên tắc bố trí dự toán chi NSNN năm 2015 như sau: tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, bố trí chi đầu tư hợp lý, ưu tiên dành nguồn lực quan trọng cho quốc phòng an ninh, bố trí trọng tâm, trọng điểm, kết hợp tự chủ của đơn vị sự nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, loại bỏ chính sách chồng chéo. Bố trí tăng chi trả nợ, đảm bảo trả đủ các khoản nợ nước ngoài đến hạn, nợ trong nước, đảm bảo trả lãi suất và một phần nợ gốc, kết hợp đảo nợ, đảm bảo an ninh tài chính.

Bộ trưởng cũng cho biết, những năm qua do tình hình khó khăn, nên tiếp tục theo hướng giảm động viên vào NSNN, tăng tích tụ cho DN, hỗ trợ nhà đầu tư. Vì vậy, thu NSNN năm 2011 giảm 11.000 tỷ đồng, năm 2012 giảm 13.300 tỷ đồng, năm 2013 giảm 16.600 tỷ, năm 2014 giảm 37.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi an sinh xã hội năm 2014, không kể tăng lương đã tăng 72% so với năm 2010, bình quân tăng 18%/năm. Riêng tỷ trọng quỹ lương so với tổng chi NSNN tăng từ 33% năm 2010 lên 39,1% năm 2014, chiếm 56% tổng chi thường xuyên năm 2014.

Do cân đối NSNN năm 2015 vẫn còn rất khó khăn nên Chính phủ tiếp tục kiến nghị năm 2015 thu vào NSNN cổ tức được chia tại DNNN và một phần lợi nhuận còn lại, tiếp tục thu vào NSNN 75% số tiền lãi nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu. Hạn chế tối đa ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN.

Năm 2015 và một vài năm tới, NSNN còn nhiều khó khăn, chi trả nợ, an sinh xã hội tăng nhanh nên đề nghị Quốc hội bố trí chấp thuận chi đầu tư phát triển như dự toán NSNN năm 2014, bố trí chi đầu tư phát triển từ NSNN và trái phiếu Chính phủ, không thấp hơn năm 2014, bội chi dùng để chi trả nợ và đầu tư phát triển, không dành chi thường xuyên.

Đã định hình xong chính sách an sinh xã hội

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) Trương Thị Mai đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, trong điều kiện khó khăn của NSNN, đã cố gắng hết mức để đảm bảo chi an sinh xã hội và một số chính sách mới cũng được phân bổ ngân sách như chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế… “Về cơ bản, tôi thấy đã cố gắng hết mức trong điều kiện khó khăn”, Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhận xét.

Đồng thời, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, các báo cáo về kinh tế xã hội nên có thêm nhận định, đến thời điểm này Việt Nam đã cơ bản định hình xong chính sách an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh về độ bao phủ và chất lượng.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ksor Phước cho rằng các chính sách về xóa đói giảm nghèo của chúng ta thời gian tới nên ở vị thế khuyến khích, tạo sức mạnh cho chủ thể, không nên có “cái gì cũng nghĩ đến túi của Nhà nước”. Điều quan trọng của chính sách là tạo ra cơ chế, huy động sức mạnh của toàn xã hội. “Còn chính sách mà lúc nào cũng nghĩ đến túi tiền quốc gia là thất bại. Đề nghị ngay cả trong tư duy xây dựng chính sách của Quốc hội cũng phải nghĩ đến chuyện này”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh.

Chỉ đạo phương hướng xây dựng dự toán ngân sách năm 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần trở lại bài toán cân đối theo hướng 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư, 20% chi trả nợ. Đây là bài toán cho nhiệm vụ năm 2015. “Mục tiêu cao nhất là đảm bảo cân bằng thu chi, thu lấy mà chi, cân bằng xuất nhập khẩu trong thế chủ động”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam