Cải cách thể chế kinh tế: Không thể nghĩ như cũ, làm như cũ nữa!

19:07 | 12/08/2014 Print
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về đổi mới thể chế kinh tế. Dù vẫn còn đó sức ỳ rất lớn của cái cũ, nhưng quyết tâm đổi mới của Thủ tướng phải được thực hiện bởi đã đến lúc chúng ta không thể nghĩ như cũ, làm như cũ nữa.

Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: VGP

“Không xác thực”, “so với quốc tế thì không giống ai cả”, “chúng ta cần những con số thật”- phát biểu của Thủ tướng về “GDP địa phương” đã được dư luận ủng hộ mạnh mẽ. Nhưng câu chuyện về “GDP địa phương” chỉ là một nét trong bức tranh mới về tư duy và đường hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Thủ tướng và Chính phủ đã dồn dập đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về cải cách thể chế kinh tế, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong một thế giới ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Trong những dòng mở đầu bài viết nhân dịp năm mới, được biết đến nhiều hơn với tiêu đề “Thông điệp đầu năm của Thủ tướng”, người đứng đầu Chính phủ đã viết: “Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng… Báo cáo thường niên của nhiều tổ chức quốc tế đều xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế… Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.

Năng lực cạnh tranh được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu… Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”.

Và quan điểm đó, tinh thần đó đã được Chính phủ, Thủ tướng ráo riết, quyết liệt triển khai thực hiện với những hành động cụ thể.

Trước hết, đó là việc đề xuất sửa đổi và xây dựng hàng loạt dự án Luật có liên quan đến môi trường kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… với mục tiêu tạo đột phá về môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân.

Đó là việc đẩy mạnh quyết liệt cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, mà chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng là nếu không làm được thì lãnh đạo doanh nghiệp “nên tự nguyện từ chức”. Đẩy mạnh cổ phần hóa sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Đó là việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với những mục tiêu cụ thể, có thể định lượng được nhưng lại hết sức quan trọng đối với môi trường kinh doanh: Giảm thời gian nộp thuế, thời gian thông quan, thời gian tiếp cận điện, thủ tục phá sản… Với Nghị quyết này, Việt Nam chính thức tự đặt mình vào cuộc đua cải thiện môi trường kinh doanh với cách “chấm điểm” quốc tế.

Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng dự Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phát đi một thông điệp về đổi mới tư duy, thay đổi mạnh mẽ, phá vỡ những cách làm, cách nghĩ đã quá cũ mòn, cản trở sự phát triển.

Trước Hội nghị của ngành KHĐT vài ngày, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đây là lần đầu tiên từ khi thành lập nước đến nay, chúng ta chuyển cách làm kế hoạch từ hằng năm sang 5 năm. Kế hoạch trung hạn sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, chủ động chuẩn bị đầu tư; lựa chọn các ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải, xin cho, thậm chí tiêu cực.

Còn với GDP, ai cũng thấy thật vô lý như phân tích của Thủ tướng: “Tỉnh nào tôi đi làm việc, GDP cũng 9, 10, 11,13, 14 % hết, nếu cộng tất cả sáu mấy tỉnh, thành phố thì làm sao có con số 5 phẩy mấy của toàn quốc được?”. Dĩ nhiên, cách tính GDP địa phương không ảnh hưởng đến cách tính GDP toàn quốc, nhưng với địa phương, thì đó không chỉ là câu chuyện thành tích, mà tính sai sẽ dẫn đến lập kế hoạch sai, đưa ra quyết sách sai.

Quyết tâm của Thủ tướng, của Chính phủ được dư luận hết sức ủng hộ. Thế nhưng một lần nữa, lại phải nhắc đến “sức ỳ” của cái cũ như một trong những lực cản lớn nhất của đổi mới.

Sau cuộc họp ngày 11/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trang nhất rất nhiều tờ báo đã giật tít với đại ý: Nhiều bộ, ngành vẫn “im lặng” trước nhiệm vụ rà soát, tổng hợp danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề có điều kiện trong phạm vi quản lý. Mà trong một chừng mực nào đó, danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện là “linh hồn” của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, bởi doanh nghiệp sẽ được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.

Có nhiều lý do để các bộ, ngành đưa ra các điều kiện kinh doanh (trước đây) và chậm trễ trong việc thống kê, tổng hợp danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Nói như luật gia Vũ Xuân Tiền, chưa nói đến chuyện tiêu cực, cơ quan quản lý phải làm thế nào để thuận lợi nhất cho việc quản lý, điều đó không có gì xấu và là trách nhiệm của họ.

Nhưng như nhận định của Thủ tướng trong thông điệp đầu năm mới, những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển, đã đến lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Không thể có được động lực mới nếu như quyền tự do kinh doanh không được bảo đảm, mọi người không được phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội.

Đổi mới không bao giờ là dễ dàng và để người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, thì phần khó khăn sẽ thuộc Nhà nước. Đã đến lúc chúng ta không thể nghĩ như cũ, làm như cũ nữa.

Theo VGP

Theo VGP

© Thời báo Tài chính Việt Nam