Xây dựng Ninh Bình thành trung tâm du lịch quốc gia

14:58 | 30/07/2014 Print
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đô thị Ninh Bình sẽ được quy hoạch thành trung tâm văn hóa-lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế.

trang an

Khu du lịch Tràng An - Ninh Bình thu hút nhiều du khách. Ảnh: ĐT

Theo Quyết định, phạm vi lập quy hoạch có diện tích 21.052 ha, với quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 40 vạn người. Đô thị Ninh Bình phát triển theo mô hình đô thị đa tâm. Không gian đô thị được phân thành 4 phân vùng phát triển.

Trong đó, phân vùng một là khu đô thị trung tâm bao gồm khu đô thị hiện hữu; khu đô thị mở rộng về phía Nam; khu đô thị mở rộng về phía Bắc. Khu đô thị trung tâm được phát triển thành trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế, văn hoá, lịch sử, dịch vụ, y tế, giáo dục đào tạo chất lượng cao tỉnh Ninh Bình.

Phân vùng hai là khu vực Bái Đính gồm Khu đô thị Bái Đính; khu nông thôn Bái Đính. Khu vực này quy hoạch thành khu du lịch tâm linh và khu đô thị đại học mới.

Phân vùng ba là Quần thể danh thắng Tràng An gồm Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Đây là vùng lõi di sản văn hóa - thiên nhiên danh thắng Tràng An.

Phân vùng bốn là vùng nông thôn. Vùng này là vùng đất thuộc một phần các xã Trường Yên, Ninh Hòa, Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Ninh An, Ninh Vân, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phong, Ninh Phúc, Khánh Hòa, Khánh Phú, Yên Sơn, Tân Bình và toàn bộ Mai Sơn, xung quanh phía Đông Nam Quần thể danh thắng Tràng An; phát triển trung tâm Ninh Hải - Ninh Thắng, Ninh Vân, Mai Sơn trở thành các trung tâm dịch vụ du lịch, làng nghề truyền thống hỗ trợ phát triển vùng nông thôn; duy trì cảnh quan nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích chuyển đổi mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp thực phẩm cho đô thị Ninh Bình.

Về định hướng phát triển hệ thống dịch vụ du lịch, bản quy hoạch dự kiến phát triển các trọng điểm trong khu vực đô thị tập trung thành tuyến phố du lịch (Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, đường Vạn Hạnh, hai bờ sông Vân...); hình thành hệ thống khách sạn, nhà hàng, dịch vụ cao cấp tại trung tâm đô thị; xây dựng các tuyến phố mua sắm đặc trưng tại khu phố cũ, nâng cấp, phát triển các tuyến đi bộ, phố mua sắm.

Theo VGP

Theo VGP

© Thời báo Tài chính Việt Nam