Chậm trễ, gây thiệt hại, cơ quan nhà nước phải bồi thường

15:43 | 16/06/2014 Print
Khi các cơ quan thi hành án dân sự có các hoạt động, tác nghiệp không đúng quy định của pháp luật, của Luật thi hành án dân sự, dẫn tới hậu quả gây thiệt hại cho tổ chức, công dân thì phải bồi thường theo quy định của Luật.

>> Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về 'vụ bán nhà kỳ lạ' ở Đà Lạt >> Chuyện bán nhà kỳ lạ của Chi cục Thi hành án TP. Đà Lạt Những bất cập trong việc thi hành án dân sự là vấn đề được nhiều ĐB chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cũng như đưa ra góp ý trong cuộc họp tổ cuối tuần qua. Xung quanh chủ đề này, PVTBTCVN đã có cuộc trao đổi với ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. * Thưa ông, việc chậm trễ trong thi hành án dân sự thời gian qua đã gây nhiều thiệt thòi cho DN, ngân hàng, làm méo mó quan hệ vay trả, mua bán trong nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này? - Thực trạng công tác thi hành án dân sự trong những năm qua, đặc biệt là thi hành đối với các vụ việc dân sự của các DN, ngân hàng về tài sản, vốn, các quyền lợi liên quan đúng là hiệu quả rất thấp. Điều này cũng gây tâm lý không tốt cho nguyên đơn là những chủ DN, chủ ngân hàng… Họ đã đi theo các vụ việc này mất rất nhiều thời gian, chi phí nhưng kết quả thu được không như mong muốn. Việc này có nhiều nguyên nhân, từ các thể chế, luật thi hành án, các luật về quản lý tài sản, đến năng lực cán bộ. Sắp tới, Luật thi hành án dân sự sửa đổi sẽ quan tâm đến điều này cũng như trong các luật có liên quan đến đấu giá tài sản như Luật Quản lý tài sản công, Bộ Luật dân sự,…. Đồng thời trong chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13 cũng sẽ xây dựng Luật Đấu giá tài sản thay cho Nghị định 17 hiện nay. * Vậy những bất cập trong quá trình thực hiện đấu giá tài sản hiện nay là gì, thưa ông? Khi các cơ quan có hoạt động, tác nghiệp không đúng quy định của pháp luật, của Luật thi hành án dân sự, dẫn tới hậu quả gây thiệt hại cho tổ chức, công dân thì phải bồi thường theo quy định của Luật. ĐB Bùi Văn Xuyền - Những bất cập hiện nay trong việc thực thi Nghị định 71 về đấu giá tài sản là thẩm quyền của cơ quan bán đấu giá tài sản, định giá tài sản, các hợp đồng giữa chủ tài sản với cơ quan bán đấu giá, chủ DN bán đấu giá tài sản chưa rõ, trách nhiệm hai bên cũng chưa rõ ràng. Tài sản của nhà nước với tài sản của tư nhân chưa phân định cụ thể. Thủ tục, trình tự phát mại, đấu giá đất đai, đấu giá tài sản nằm trên đất cũng chưa rõ ràng, nên phải đi xin ý kiến cơ quan tài nguyên môi trường, sau đó lại cơ quan quản lý tài sản. Trong chủ tài sản đó lại có nhiều loại tài sản, tài sản chung, tài sản riêng, tài sản của cổ đông, tài sản của công ty TNHH, công ty cổ phần. Vấn đề là khi phát mại tài sản phải tính hết quyền lợi của những người liên quan, bảo đảm quyền lợi của cả bên bảo đảm, bên được bảo đảm, bên bán tài sản, bên được đấu giá… * Liên quan đến vụ việc gần đây báo chí và ĐB Quốc hội đã nêu là vụ Công ty Phương Trang Đà Lạt chuẩn bị khởi kiện Cục thi hành án Đà Lạt do việc chậm trễ bàn giao tài sản, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Vậy theo luật thì liệu Cục thi hành án Đà Lạt có phải bồi thương thiệt hại cho công ty này hay không, thưa ông ? - Các quy định về bồi thường đã được quy định rõ trong Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTNN). Cơ quan thi hành án dân sự cũng là một trong các đối tượng chịu tác động của Luật này. Khi các cơ quan có các hoạt động, tác nghiệp không đúng quy định của pháp luật, của Luật thi hành án dân sự, dẫn tới hậu quả gây thiệt hại cho tổ chức, công dân thì phải bồi thường theo quy định của Luật. Đối với vụ việc cụ thể như trên thì còn phải căn cứ vào hồ sơ cụ thể. Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện đòi bồi thường theo đúng tinh thần của Luật TNBTNN. Để được bồi thường thì theo Luật là phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khẳng định hành vi đó là trái pháp luật, và có hậu quả thực tế xảy ra. Trên cơ sở đó, tòa án sẽ quyết định bằng bản án. Bản án có hiệu lực pháp luật thì Cục thi hành án bị khởi kiện đó phải bồi thường. * Trong trường hợp đó, việc thi hành bản án được thực hiện thế nào, thưa ông? - Việc thi hành sẽ theo trình tự của Luật thi hành án. Vấn đề là bản án của tòa án đó đã tuyên, có hiệu lực pháp luật, không kháng cáo, kháng nghị thì trước sau cũng được bồi thường. Còn cách thức bồi thường là Nhà nước đứng ra bồi thường, còn cán bộ công chức cố ý làm trái thì phải bồi thường hoàn lại là chuyện khác. * Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam