Các khoản vay từ Trung Quốc không ảnh hưởng lớn

08:52 | 12/06/2014 Print
Trả lời các ĐB trong phiên chất vấn sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, mức độ các khoản vay từ Trung Quốc không nhiều, không ảnh hưởng lớn. Đầu tư vào chứng khoán của các nhà đầu tư Trung Quốc đến nay chỉ chiếm 0,33% quy mô thị trường.

QH

Phiên họp Quốc hội sáng ngày 11/6. Ảnh: TTXVN

>> 'Bộ trưởng Bộ Tài chính thể hiện đúng tinh thần chất vấn'

>> Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trả lời trực tiếp, cụ thể vào những vấn đề 'nóng'

Sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tiếp tục phần trả lời chất vấn trước Quốc hội với các nội dung về vấn đề hỗ trợ DN vừa và nhỏ, các vấn đề liên quan đến thuế, giá cả, nợ xấu, giải pháp đảm bảo nguồn thu….

Nhiều chính sách hỗ trợ về thuế cho DN vừa và nhỏ

Trả lời ĐB Lê Thị Nguyệt về giải pháp hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ, Bộ trưởng cho biết vừa qua Luật Quản lý thuế sửa đổi đã giảm thuế TNDN cho DN có doanh thu không quá 20 tỷ đồng từ 25% xuống 20%, các DN khác thuế suất là 22%. Đồng thời, DN vừa và nhỏ được giảm tần suất kê khai thuế GTGT từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm, giảm áp lực về vốn cho DN.

Cuối năm 2013, Chính phủ đã có bổ sung nhiều quy định thuận lợi hơn về tài sản thế chấp, cấp bảo lãnh tín dụng cho quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ. Tính đến ngày 31/3/2014, Ngân hàng phát triển đã chấp thuận bảo lãnh cho 1.951 lượt DN và vốn bảo lãnh là 15.316 tỷ đồng.

Dự kiến thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ trình các giải pháp như gia hạn nộp thuế để không bị phạt chậm nộp và không thu tiền phạt chậm nộp đối với DN khó khăn. Hoàn nhanh thuế GTGT 40 dự án đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên. Gia hạn tối đa 2 năm đối với dự án chưa được thanh toán vốn đầu tư XDCB đã ghi trong dự toán NSNN. Gia hạn nộp đối với khoản DN thực hiện XDCB nhưng nằm trong dự toán chưa được thanh toán. Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chủ tàu hậu cần phục vụ các tàu khai thác cá xa bờ...

Về vướng mắc trong mua bán nợ xấu, nhất là khâu định giá tài sản, Bộ trưởng khẳng định nguyên tắc định giá phải theo thị trường. DN phải đảm bảo trích đủ các khoản dự phòng rủi ro về nợ, khi tiến hành xử lý thì phải được giảm trừ. Vừa qua công ty mua bán nợ đã triển khai thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ này và góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu DNNN.

Đã xử lý giảm 70% nợ cho Vinashin

Trước đó, trả lời ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) về việc xử lý nợ Vinashin, Vinalines, Bộ trưởng cho rằng việc can thiệp khi cần vào xử lý tài chính của DN lớn là chuyện bình thường ở nhiều quốc gia phát triển. Đối với Việt Nam, Chính phủ đã cấp bảo lãnh Chính phủ để phát hành trái phiếu tái cơ cấu lại nợ của Vinashin, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp lý về cấp và quản lý bảo lãnh nợ Chính phủ. Việc xử lý nợ cũng chỉ trong giới hạn phạm vi của công ty mẹ của tập đoàn Vinashin và 8 công ty con giữ lại. Số liệu nợ đã được rà soát đối chiếu kỹ lưỡng và kết quả xử lý là giảm tới 70% nghĩa vụ nợ của Vinashin.

Tại phiên họp, chủ đề thuế với những vấn đề như gian lận thuế, nợ đọng thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế, chuyển giá… được nhiều ĐB quan tâm và Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích rất chi tiết.

BT
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời cụ thể từng câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: TTVXN

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Khá về việc thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, Bộ trưởng cho biết sau khi thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, qua thanh kiểm tra cho thấy đa số DN chấp hành tốt việc này, tuy nhiên cũng có một số sai sót, như gia hạn không đúng đối tượng… Sau khi phát hiện, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện truy thu đầy đủ, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có liên quan.

Đối với những sai phạm trong việc hoàn thuế GTGT, Bộ trưởng cho biết việc này diễn ra tương đối nghiêm trọng, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản. Bộ Tài chính đã phối hợp các ngành để ngăn chặn và xử lý, đã khởi tố DN và xử lý những cán bộ có liên quan. Đồng thời trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT, thực hiện rà soát, quy đổi quy định về điều kiện in ấn hóa đơn.

Về công tác chống chuyển giá, Bộ trưởng cho biết năm 2013 cơ quan thuế đã kiểm tra, thanh tra 2.111 DN có dấu hiệu chuyển giá, đã xử phạt 988 tỷ đồng, giảm khấu trừ 137 tỷ, giảm lỗ 4.193 tỷ đồng và 4 tháng đầu năm 2014 đã thanh tra, kiểm tra 361 DN, xử phạt 287 tỷ đồng, giảm khấu trừ 17,6 tỷ đồng và giảm lỗ 1.233 tỷ đồng. Việc này giúp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn, cũng tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ và các DN khác đứng vững hơn trong tình hình khó khăn.

Về vấn đề nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý thu, đảm bảo nợ đọng thuế dưới 5%. Năm 2012 tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu ngân sách là 8,38%, trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn. DN khó tiếp cận vốn trong khi việc xử lý nợ đọng thuế chưa có chế tài cao, nên DN cũng tranh thủ lợi dụng việc nợ thuế để có vốn kinh doanh. Một số DN xây dựng cơ bản có nguồn từ NSNN chưa được thanh toán kịp cũng nợ đọng thuế.

Thời gian tới, để giảm nợ đọng thuế, Bộ Tài chính sẽ tập trung tăng cường quản lý thuế và cưỡng chế thu hồi. Tuy nhiên, việc cưỡng chế vẫn phải xét đến yếu tố tạo điều kiện cho DN hoạt động, nuôi dưỡng nguồn thu.

Các khoản vay từ Trung Quốc không ảnh hưởng lớn

Trước lo ngại của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) về mức độ lệ thuộc tài chính vào Trung Quốc, Bộ trưởng khẳng định mức độ các khoản vay từ Trung Quốc không nhiều, không ảnh hưởng lớn. Đầu tư vào chứng khoán của các nhà đầu tư Trung Quốc đến nay chỉ chiếm 0,33% quy mô thị trường. Trong đó, có hai nhà đầu tư lớn, chủ yếu là đầu tư vào công ty Vincom và công ty cà phê Đồng Nai, số còn lại các nhà đầu tư nhỏ không đáng kể.

TTN
ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: TTXVN

Đề cập đến giải pháp để đạt mục tiêu tăng thu 12 – 14% năm 2014, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh các giải pháp siết chặt chi tiêu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, cần phải tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đối với những DN khó khăn phát sinh từ tháng 5/2014, sau khi trình Chính phủ, Bộ đã triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN, bước đầu kết quả tốt, tạo môi trường thu hút đầu tư ổn định. “Các giải pháp thì có rất nhiều, nhưng cần phải có sự đồng thuận và phải thật nghiêm túc chấp hành”, Bộ trưởng cho biết.

Quốc hội hoan nghênh việc triển khai Luật Giá

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá không khí chất vấn rất thẳng thắn, tinh thần cởi mở, câu hỏi đặt ra sâu sắc, cụ thể. Bộ trưởng đã trả lời rất chi tiết, rất đầy đủ những vấn đề Quốc hội đặt ra.

Trên tinh thần chất vấn tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm rà soát, đánh giá lại nợ công, có giải pháp tái cơ cấu nguồn vay theo hướng tăng vốn vay dài hạn; Cân đối thu chi ngân sách để khả năng trả nợ được đảm bảo, tăng thu để trả nợ, bội chi dành cho đầu tư phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các bộ, ngành kể cả các ngành tư pháp để chống các hiện tượng buôn gian bán lận, lậu thuế, trốn thuế, nợ thuế. Đồng thời, bám sát tiến độ cổ phần hóa, thực hiện công tác định giá công khai, minh bạch, tránh thất thoát cho Nhà nước, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý tài chính ở DNNN sau khi cổ phần hóa.

Về công tác kiểm soát giá, “Quốc hội hoan nghênh Bộ Tài chính, Chính phủ đã có những biện pháp cần thiết tổ chức thực hiện Luật giá của Quốc hội mới ban hành và công tác kiểm soát giá đã được tăng cường. Đề nghị Bộ trưởng và các ngành liên quan tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống của người dân để có biện pháp kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, đảm bảo quyền lợi của người dân”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam