Việt Nam cam kết tạo môi trường đầu tư thân thiện, bền vững

13:27 | 05/06/2014 Print
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước cộng đồng DN và nhà đầu tư. Thủ tướng cam kết sẽ làm hết sức để “các bạn tin tưởng Việt Nam là quốc gia 90 triệu dân, chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển nhanh, môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, bền vững".

VBF giữa kỳ 2014

>> Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đã được khôi phục

>> DN Nhật Bản coi Việt Nam là điểm đến tin cậy về hợp tác đầu tư

Kinh tế đã và sẽ phát triển nhanh, bền vững

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kinh tế Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ổn định, phát triển vững chắc hơn. Đề cập đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế của năm 2014, người đứng đầu Chính phủ cho biết: lạm phát năm nay sẽ tiếp tục được kiềm chế ở mức 5%, thấp hơn năm 2013; tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,8% và sẽ đạt 6% trong năm 2015; xuất khẩu dự báo tăng trưởng 15 – 16%.

Cùng với đó, tỷ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng mạnh, bảo đảm giữ ở mức trên 12 tuần nhập khẩu từ đầu 2013 đến nay. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư lớn, dự kiến sẽ đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2014. Lãi suất giảm mạnh theo tín hiệu kiểm soát lạm phát và phù hợp kinh tế thị trường. Nợ xấu được kiểm soát và từng bước xử lý theo hướng giảm dần.

Chính phủ cũng tích cực triển khai tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, tuy chưa được như mong muốn nhưng cũng tích cực góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các mục tiêu bảo đảm công bằng xã hội của Việt Nam cũng tiếp tục được cải thiện như các lĩnh vực y tế, giảm nghèo…, đặc biệt trong điều kiện khó khăn, nhiều điểm trong Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc đề ra, Việt Nam đã hoàn thành.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cũng khẳng định, chính trị xã hội ở Việt Nam tiếp tục được bảo đảm ổn định vững chắc, trên cơ sở sự đồng tình ủng hộ của người dân với các chính sách phát triển của Nhà nước Việt Nam.

Liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật của một số phần tử do bị kẻ xấu lợi dụng kích động trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và cam kết không để tái diễn.

Hầu hết các DN bị thiệt hại hiện đã trở lại sản xuất kinh doanh bình thường. “Chỉ còn lại khoảng hơn 20 DN chưa trở lại sản xuất, Chính phủ Việt Nam đã quyết định cùng với chính quyền các địa phương, bàn bạc cụ thể đối với từng DN bị thiệt hại để thống nhất một phương án hợp lý, giúp DN sớm phục hồi lại sản xuất. Chúng tôi mong muốn các bạn ủng hộ để cùng giải quyết sự cố không mong muốn này”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch

Nói về mục tiêu phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam kiên định nhất quán và quyết tâm xây dựng một đất nước XHCN, hoà bình, độc lập, tự chủ, dân giàu nước mạnh, công bằng văn minh. “Đây là mục tiêu nhất quán. Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của các quốc gia, đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đi liền với công bằng xã hội”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Theo đó, Việt Nam sẽ phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế khoảng 6% trong năm 2015, và khoảng 6,5% trong giai đoạn 5 năm (2016 – 2020), là nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thủ tướng cho biết sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chính sách. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường một cách đầy đủ, hiệu quả, năng động hơn, đồng thời đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. “Chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường, nhất là cơ chế giá theo cơ chế thị trường và phân bổ nguồn lực theo cơ chế này. Cùng với đó, Chính phủ đã và sẽ thực hiện các công cụ, giải pháp để điều tiết kinh tế, thực hiện công bằng xã hội”, Thủ tướng nói.

Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh hơn, phù hợp tinh thần kinh tế thị trường và phù hợp thông lệ quốc tế. Luật và các quy định sẽ được ban hành bảo đảm quyền tự do kinh doanh của DN như Hiến pháp đã quy định.

Chính phủ cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh cao hơn, tập trung vào cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả quản trị và đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với tất cả các loại hình DN khác. Chú trọng phát triển mạnh mẽ DN tư nhân, nhất là DN vừa và nhỏ; tạo mọi điều kiện để thu hút mạnh hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển thương mại tại Việt Nam.

Việt Nam cũng đã và đang đẩy mạnh hơn nữa đầu tư phát triển hạ tầng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào kết cấu hạ tầng; dành nguồn lực thỏa đáng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tiếp tục hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền, từng bước đẩy lùi tham nhũng, bảo đảm phát huy quyền dân chủ của người dân. Đồng thời đã và sẽ tiếp tục bảo đảm, tăng cường ngày càng vững chắc an ninh, xã hội, bảo bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các tổ chức, DN, người nước ngoài đang sống, làm việc tại Việt Nam.

“Việt Nam chúng tôi kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền quốc gia theo đúng các cam kết quốc tế. Chúng tôi cũng cam kết không để xảy ra những hiện tượng như vừa qua. Các bạn tin tưởng Việt Nam là quốc gia 90 – 100 triệu dân, chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển nhanh, môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, bền vững”, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục khẳng định./.

Hoàng Lâm

Hoàng Lâm

© Thời báo Tài chính Việt Nam