Quy định rõ thẩm quyền sử dụng vốn của chủ doanh nghiệp

12:24 | 03/06/2014 Print
(TBTCVN) - Bức thiết phải công khai rõ và minh bạch quan điểm của Nhà nước (NN) trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Đây là vấn đề được giải quyết triệt để tại Dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh đang được Quốc hội thảo luận.

đầu tư vào sản xuất kinh doanh

DN có vốn NN sẽ phải hoạt động bình đẳng như các DN khác theo cơ chế thị trường. Ảnh: T.L

Dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh sẽ thể hiện rõ quan điểm của chủ sở hữu với DN ở 3 khía cạnh lớn: Thứ nhất, phạm vi đầu tư của NN đến đâu và can thiệp như thế nào.

Nếu như ở Kết luận 50 ngày 29/10/2012 tại Hội nghị thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, việc điều chỉnh phạm vi hoạt động đầu tư của DNNN chưa cụ thể, thì tại Dự thảo Luật này, NN sẽ công khai danh mục ngành nằm trong phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh của NN, danh mục này được điều chỉnh trong từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Ban hành Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh nhằm thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước tại Kết luận 50 ngày 29/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Hiến pháp 2013 và Nghị quyết số 42 ngày 27/11/2009 của Quốc hội về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, gắn với yêu cầu tái cơ cấu DNNN và sự đồng bộ về pháp luật, thống nhất trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản của DNNN để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế./.

“Việc định vị đối tượng ngành cũng như phạm vi đầu tư của NN trong từng thời kỳ một cách công khai, nhằm tạo thuận lợi cho các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Chính phủ trong quá trình kiểm tra, rà soát và đốc thúc cổ phần hóa (CPH) DNNN”, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết.

Dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh cũng bảo vệ ngành kinh doanh trong nước. Vì vậy, việc đầu tư của NN vào các lĩnh vực kinh tế khác được khoanh vùng và có lộ trình rút lui. Ví dụ như việc NN đầu tư vào kinh doanh bia, rượu, nước giải khát. Hiện tại, NN có thể cần nắm giữ cổ phần lớn tại các DN này khi năng lực cạnh tranh của họ còn yếu, thị phần của họ tại thị trường trong nước chưa đủ đối trọng với DN nước ngoài. Nhưng sau 5 năm nữa, khi họ đã đủ lớn, mạnh có thể tự cạnh tranh bình đẳng với nhau để cùng nhau tạo ra đối trọng với DN nước ngoài thì NN sẽ rút vốn.

Thứ hai, giám sát của NN đối với nguồn vốn đầu tư tại DN. Việc giám sát này được quy định cụ thể cho các cấp, từ cấp Quốc hội cho đến chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý NN, DN và cả người dân.

Mặc dù Nghị định 61, 71 của Chính phủ ban hành trong năm 2013 đã khắc phục và theo sát thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhưng đến thời điểm này pháp luật về quản lý NN nói chung và quản lý hoạt động tài chính của DNNN nói riêng đang tồn tại dưới các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng lại chưa được điều chỉnh tại văn bản luật. Vì vậy, nội dung này được đưa vào trong Dự thảo Luật nhằm luật hóa những quy định đổi mới, “cách mạng” tại các văn bản dưới luật nêu trên.

Theo đánh giá của ông Đặng Quyết Tiến, khi những nội dung ở nghị định Chính phủ được luật hóa và quy định cụ thể, rõ ràng hơn, thì việc giám sát và minh bạch thông tin DNNN được đảm bảo tính hiệu quả lâu dài.

Thứ ba, vấn đề sử dụng vốn NN hiệu quả tại DN. Chính vì sự bức thiết trong vấn đề sử dụng hiệu quả vốn NN tại DN mà Dự thảo Luật mới đưa ra những nguyên tắc về quản lý mang tính đặc thù của NN.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, đây là những tiêu chí mang tính đặc thù do chủ sở hữu đặt ra để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn của mình tại DN. Những tiêu chí này sẽ thể hiện quyền của chủ sở hữu NN đối với DN và chặt hơn so với nguyên tắc quản trị DN quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Trước đây, đối với DNNN, dư luận cho rằng, vô hình chung NN đã chuyển quyền chủ sở hữu của mình, tiền của mình cho một số cán bộ là lãnh đạo DN (hội đồng quản trị, tổng giám đốc) các tập đoàn, tổng công ty, chưa rạch ròi, cụ thể về quyền và trách nhiệm quản lý và sử dụng đồng tiền “của dân”. Một số lãnh đạo DN lợi dụng coi đây như tiền của cá nhân hay nhóm cá nhân và sử dụng tiền của NN không gắn với lợi ích của chủ sở hữu NN, mà theo quyết định của riêng họ. Họ rất ngại xa rời ghế “ông chủ”, hệ quả là rất ngại đổi mới, CPH DN, việc CPH DN chỉ mang tính chất hình thức “bình mới rượu cũ”.

Vì vậy, tại Dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh, chủ DNNN sẽ không được quyết định quá 50% vốn chủ sở hữu, huy động vốn không được quá 3 lần, đối với DNNN 100%; đối với DN dưới 100% vốn NN thông qua người đại diện vốn như đối với công ty cổ phần sẽ được biểu quyết trước đại hội cổ đông. Nếu đại hội cổ đông không thông qua thì NN cũng không thể can thiệp… Điều này cũng cho thấy DN có vốn NN vẫn phải đảm bảo hoạt động bình đẳng như các DN khác theo cơ chế thị trường, minh bạch thông tin về mọi hoạt động cũng như thông tin tài chính như những DN đại chúng theo pháp luật chứng khoán.

Tóm lại, với việc định vị rõ ràng khu vực DNNN gắn với quy định quản trị chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn “của dân” và áp dụng chế độ công khai, minh bạch và có lộ trình cụ thể trong hoạt động đầu tư của nhà nước đối với DN, của DN đối với việc sử dụng vốn NN được luật hóa, là những điểm nhấn xuyên suốt trong Dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh. Đây cũng là thông điệp, là hành trang của kinh tế Việt Nam trên con đường hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới cũng như hướng tới gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP./.

Hà Anh

Hà Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam